Được Bộ Chính trị ban hành ngày 15/5/2016, nội dung của Chỉ thị số 05-CT/TƯ nhằm bảo đảm thực hiện Nghị quyết lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị được ban hành trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI.
Cơ sở ban hành Chỉ thị 05-CT/TƯ
Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo được những chuyển biến bước đầu quan trọng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với toàn xã hội..., góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 03 vẫn còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên và ý thức tự giác của nhiều tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên, công chức, viên chức chưa cao. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức, đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác ở nhiều nơi vẫn còn hình thức. Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị chưa thật sinh động, hấp dẫn, chưa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Đảng và xã hội…
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ, đặc biệt là để bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chỉ thị 05-CT/TW - Một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Bộ Chính trị khóa XII xác định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu như trong suốt nhiệm kỳ khóa XI, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW được coi là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thì sang nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được đẩy mạnh một cách toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được tổ chức thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, mà trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Hệ thống nội dung chủ yếu cần học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Việc học tập, quán triệt và tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Nội dung bao gồm:
Thứ nhất, đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng,...
Thứ hai, đó là các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội,...
Thứ ba, đó là phong cách Hồ Chí Minh: về tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương,...
Bộ Chính trị yêu cầu
Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện cho cấp ủy các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy.
Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó, nhấn mạnh: gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Và đồng thời gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, trong đó yêu cầu phải biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường chính trị, trường đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, bậc học và với yêu cầu giáo dục, đào tạo.
Gắn chặt giữa “xây” với “chống”; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ.
Chỉ thị 05-CT/TƯ được bảo đảm thực hiện lâu dài, không có giới hạn về thời gian thực hiện.