I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐẶC KHU
1. Xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua bao gồm: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII; Văn kiện Đại hội X của Đảng; Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Văn kiện Đại hội XII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016- 2020) được phê duyệt tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội đã nêu nhiệm vụ và giải pháp là “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế”.
2. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bổ sung quy định còn thiếu như: chưa có các quy định cụ thể về: điều kiện và nội dung thành lập, phương thức và nội dung quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cách thức quản lý các lĩnh vực chuyên ngành, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thẩm quyền, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác, cơ chế giám sát hoạt động, cơ chế tài chính và ngân sách hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; phương thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan khác đóng trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nội dung quản lý Nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan Nhà nước có liên quan đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Do vậy, cần phải xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để quy định cụ thể các nội dung còn chưa được quy định nêu trên.
3. Xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính ”, “thành phố tự do ”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”... với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.
Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tê, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.
II. NHỮNG LỢI ÍCH KHI HÌNH THÀNH 3 ĐẶC KHU
1. Góp phần hiệu quả làm tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể:
- Đặc khu Vân Đồn ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
- Đặc khu Bắc Vân Phong ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí và 01 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
- Đặc khu Phú Quốc ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
2. Về xã hội, môi trường: sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại của các tỉnh xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cụ thể như tới năm 2030, Đặc khu Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm; Đặc khu Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm và Đặc khu Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.
3. Đối với chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh: sẽ tăng vị thế và vai trò của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín chính trị của nước ta; việc phát triển các Đặc khu kinh tế ngoài việc góp phần tăng trưởng kinh tế cùa Việt Nam, còn khẳng định rõ chủ quyền, quan điểm phát triển của Việt Nam.
III. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG
1. Đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động; phòng ngừa, ngăn chặn, ứng cứu, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước trên không gian mạng; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm cần thiết. Đây là hệ thống thông tin của các mục tiêu quan trọng quốc gia, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, cơ quan chứa đựng bí mật Nhà nước nên hậu quả, thiệt hại sẽ lớn hơn hệ thống thông tin thông thường nếu bị tấn công mạng hoặc sự cố an ninh mạng; quy định và thống nhất thực hiện giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an ninh mạng; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng và cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng.
2. Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác an ninh mạng như: chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng giữa các bộ, ngành, địa phương và khắc phục việc chưa có văn bản luật quy định về công tác an ninh mạng.
3. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị định 101/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm thực hiện và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng để khủng bố.
4. Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Luật An ninh mạng quy định các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, trong đó có một số biện pháp có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát an ninh mạng, hạn chế thông tin mạng... Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết và cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.
5. Bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế: hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Nhật Bản, Trung Quốc; Cộng hòa Séc; Hàn Quốc; riêng Mỹ, ngoài việc ban hành các đạo luật chung, Mỹ đã ban hành tới 06 đạo luật liên quan các vấn đề về an ninh mạng; ngày 7/12/2015, Hội đồng và Nghị viện Châu Âu đạt được sự thống nhất về các biện pháp thúc đẩy an ninh mạng tổng thể trong Liên minh Châu Âu tại Chỉ thị An ninh thông tin và mạng nhằm tăng cường các khả năng an ninh mạng của các quốc gia thành viên, tăng cường sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực an ninh mạng. Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng sẽ bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.
IV. DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH THỜI GIAN GẦN ĐÂY
Trên mạng xã hội, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã lợi dụng dân chủ, xuyên tạc, kích động phản đối một số nội dung trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; chúng gọi là “hành vi bán nước', “xây dựng thuộc địa kiểu mới”... Đặc biệt, chúng đã đưa lên mạng nhiều thông tin, hình ảnh xuyên tạc phản đối dự thảo luật với những lời lẽ kích động, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân; kích động phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phá hoại hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình trong mắt bạn bè quốc tế... Chúng đã sử dụng những hình ảnh người hâm mộ xuống đường đón đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành Huy chương bạc Châu Á hoặc một số sự việc tụ tập đông người trái phép trước đây rồi dùng công nghệ cắt, ghép ảnh để dựng lên câu chuyện “đã và đang có những cuộc biểu tình quy mô lớn ở nhiều nơi” đánh lừa dư luận, dọn đường, kích động làm “nóng” dư luận, phục vụ cho mưu đồ đen tối của chúng,...
Chúng ta, cần phải khẳng định rằng, dự án Luật Đặc khu đã có một quá trình soạn thảo công phu trên cơ sở tham khảo các mô hình quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... Mục đích việc xây dựng các mô hình kinh tế mới này không gì khác là tạo những động lực tăng trưởng mới cho đất nước, nhưng cũng không vì thế mà những yếu tố an ninh, chủ quyền quốc gia không được coi trọng. Tuy nhiên, nhiều người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng dẫn dắt sai bởi thông tin cho thuê đất 99 năm, hoặc cố tình xuyên tạc, hiểu sai nội dung của dự thảo Luật quy định chỉ những dự án đặc biệt được Thủ tướng phê duyệt mới được giao đất trong 99 năm; ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định sẽ “không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm”.
Ngày 7/6/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội đã khẳng định, trong quá trình xây dựng luật, chúng ta rất lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức, các lão thành cách mạng và bà con Việt kiều,... Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, bảo đảm đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng sự phát triển ấy phải là bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam của chúng ta.
Bản chất của các hoạt động chống phá vừa qua: Mặc dù ngày 9/6/2018, Chính phủ đã thống nhất với ủy ban Thường vụ Quốc hội việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua dự án Luật Đặc khu, từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Việc đề nghị lùi thông qua dự án Luật được thực hiện sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và Nhân dân cả nước. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Ngày 11/6/2018, Quốc hội đã cho ý kiến về việc rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Đặc khu để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện với kết quả biểu quyết: 423 đại biểu tán thành (85,63%) đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật và nghị quyết về thi hành luật này. Những sự điều chỉnh mang tính cầu thị này cho thấy Quốc hội, Chính phủ luôn luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng chính đáng của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Cử tri và đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định vừa qua của ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phú. Các ý kiến cho rằng đây cũng là sự thận trọng cần thiết trước khi ban hành một chính sách mới và quan trọng, không chi liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn tác động đến cả quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, trước những động thái tích cực của Quốc hội, Chính phủ và đa số người dân thì những ngày qua, một số đối tượng cơ hội chính trị, phần tử phản động vẫn có hành vi phát tán tờ rơi tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và những lời kêu gọi dưới vỏ bọc “tình yêu Tổ quốc” trên mạng xã hội, lợi dụng sự thiếu thông tin để kích động, lôi kéo người dân xuống đường, tụ tập đông người, biểu tình tuần hành trái pháp luật, thậm chí manh động tấn công lực lượng chức năng thực thi công vụ, phá hoại cơ quan Nhà nước... gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, tạo nên một hình ảnh Việt Nam “bất ổn” - đi ngược lại với nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, dân chủ và văn minh. Đặc biệt, trong ngày 10/6 tại một số tỉnh, thành phố như: Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai,... đã xảy ra các vụ tụ tập đông người, tuần hành, biểu tình làm mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông,... Nghiêm trọng hơn là ở Bình Thuận ngày 10/6, 11/6, người biểu tình đã bao vây, tràn vào đập phá trụ sở UBND tinh, tấn công trụ sở Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa, nơi các chiến sĩ Cảnh sát cơ động lưu trú để giữ gìn an ninh trật tự, các đối tượng quá khích đã đốt cháy nhiều ô tô đang đậu trong khuôn viên, đồng thời dùng cây, gạch đá, bom xăng ném bể kính, đốt trụ sở của một số cơ quan, sau đó mới chịu rời đi. Đêm ngày 11/6, lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 100 đối tượng cùng với nhiều phương tiện xe máy... Những vụ tuần hành, biểu tình tự phát vào những ngày vừa qua, có nhiều hành động vượt ra ngoài khuôn khổ trật tự, không còn là hình thức truyền thông điệp, thể hiện thái độ, chính kiến một cách ôn hoà. Đã thể hiện tính cực đoan, quá khích, vô chính phủ cố tình chống đối, đốt phá xe cộ, tấn công người thi hành công vụ, các cơ quan công quyền của Nhà nước, thể hiện rõ bản chất phản động, côn đồ, nguy hiểm của một số đối tượng. Các cuộc tụ tập, biểu tình, đập phá hôm 10/6, 11/6 là không bình thường, vì mục đích chính của các cuộc biểu tình là ngăn Quốc hội thông qua Luật Đặc khu. Nhưng khi Chính phủ và ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi lắng nghe dư luận xã hội đã rút dự luật này khỏi chương trình nghị sự. Như thế việc tụ tập, biểu tình đó là nhằm tạo xung đột giữa Nhân dân với chính quyền, cố tình chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, các vụ việc trên đã được một số báo điện tử, trang mạng xã hội đăng tải mang tính chất tường thuật, càng gây phức tạp thêm tình hình. Đây không phải lần đầu những chiêu trò này được những kẻ cơ hội chính trị, phần từ phản động thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, tạo cuộc cách mạng màu, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,... Thực tiễn đã cho thấy, những âm mưu đen tối của bọn chúng đã bị Nhân dân và các lực lượng chức năng “vạch mặt”; những kẻ phá hoại, gây rối đã phải cúi đầu nhận tội, chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Mỗi người dân Việt Nam ai cũng có tấm lòng yêu nước, nhưng thể hiện tình yêu với đất nước cũng cần đúng cách, bằng những hành động phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi người và đặc biệt là phải tuân thủ pháp luật, cần bình tĩnh, sáng suốt, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng, cần nhận rõ “bộ mặt thật" của những kẻ tự xưng là yêu nước, là nhà đấu tranh dân chủ đang lớn tiếng phê phán, đang suy diễn, bóp méo sự thật,... Quan tâm đến vận mệnh đất nước là quyền, nhu cầu chính đáng của mỗi người dân; đồng thời đó cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc. Nhưng sự quan tâm, tình yêu đối với đất nước chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân tham gia phản biện, đóng góp ý kiến cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, thái độ chuẩn mực, động cơ lành mạnh và hướng đến những mục tiêu chung, lợi ích chung của quốc gia dân tộc, tránh để các phần tử xấu lợi dụng, tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, để gây rối loạn chính trị xã hội, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong xã hội.