Năng lực được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau do sự lựa chọn dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, bản chất của năng lực là khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính tâm lý cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí... để thực hiện thành công một công việc trong bối cảnh nhất định. Biểu hiện của năng lực là biết sử dụng các nội dung và các kỹ thuật trong một tình huống có ý nghĩa chứ không phải tiếp thu lượng tri thức rời rạc. Dưới đây là những năng lực đặc thù của môn toán:
Năng lực tư duy: là tổng hợp những khả năng ghi nhớ, tái hiện, trừu tượng hóa, khái quát hóa, tưởng tượng, suy luận - giải quyết vấn đề, xử lý và linh cảm trong quá trình phản ánh, phát triển tri thức và vận dụng vào thực tiễn. Năng lực tư duy của học sinh tiểu học trong quá trình học toán thể hiện qua các thao tác chủ yếu như: phân tích và tổng hợp, đặc biệt hóa và khái quát hóa...
Năng lực giải quyết vấn đề: là khả năng cá nhân sử dụng hiệu quả các quá trình nhận thức, hành động và thái độ, động cơ, xác cảm để giải quyết những tình huống có vấn đề mà ở đó không có sẵn quy trình, thủ tục, giải pháp thông thường. Đây là một trong những năng lực mà môn toán có nhiều lợi thế để phát triển cho người học qua việc tiếp nhận khái niệm, quy tắc toán học và đặc biệt là qua giải toán.
Năng lực mô hình hóa (còn gọi là năng lực toán học hóa tình huống thực tiễn): là khả năng chuyển hóa một vấn đề thực tế sang một vấn đề toán học bằng cách thiết lập và giải quyết các mô hình toán học, thể hiện và đánh giá lời giải trong ngữ cảnh thực tế.
Năng lực giao tiếp toán học: là khả năng sử dụng ngôn ngữ nói, viết và biểu diễn toán học để làm thuyết trình và giải thích làm sáng tỏ vấn đề toán học. Năng lực giao tiếp liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ toán học kết hợp các ngôn ngữ thông thường. Năng lực này được thể hiện qua việc hiểu các văn bản toán học, đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi, lập luận khi giải toán...
Năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện học toán: giúp học sinh làm quen với các phương tiện toán học thông thường và bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin.
Việc dạy học toán ở tiểu học theo hướng phát triển năng lực học sinh cần dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, học sinh phải được học thông qua việc quan sát các sự vật, hiện tượng của thế giới thực tại xảy ra hàng ngày, gần gũi với đời sống, dễ cảm nhận đối với các em; các em sẽ thực hành để qua đó thu nhận kiến thức mới.
Thứ hai, học sinh phải được trải qua quá trình tìm hiểu, suy nghĩ và lập luận; đưa ra tranh luận trước tập thể những suy nghĩ và lập luận của mình. Từ đó các em tự điều chỉnh nhận thức và lĩnh hội tri thức mới.
Thứ ba, những hoạt động do giáo viên đề xuất cho học sinh được tổ chức theo một tiến trình dạy học nhằm nâng cao dần mức độ tiếp thu tự lực và sáng tạo của các em. Các hoạt động này phải làm cho các nội dung học tập được nâng cao lên và dành phần lớn hoạt động ở trường cho sự tự chủ của học sinh.
Thứ tư, qua các hoạt động, học sinh chiếm lĩnh dần dần các khái niệm toán học và kỹ năng thực hành, kèm theo đó là sự củng cố và phát triển ngôn ngữ viết và nói. Khuyến khích các em ghi chép theo cách thức và ngôn ngữ của riêng mình.
Tiến trình dạy học toán ở tiểu học theo hướng phát triển năng lực, có thể đi qua các bước:
Bước 1: Tình huống xuất phát (nêu vấn đề) là tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là cách dẫn nhập bài học yêu cầu phải ngắn gọn và dễ hiểu.
Bước 2: Giúp học sinh bộc lộ ý tưởng ban đầu. Đây là bước quan trọng nhằm khuyến khích các em nêu suy nghĩ, nhận thức ban đầu trước khi học được kiến thức.
Bước 3: Đề xuất phương án thực hành (giải quyết vấn đề). Đây là bước khá khó khăn vì giáo viên cần lựa chọn các ý tưởng ban đầu của học sinh theo mục đích dạy học và phải linh hoạt điều khiển thảo luận nhằm giúp các em đề xuất câu hỏi từ những sự khác biệt theo ý đồ dạy học.
Bước 4: Kết luận, hợp thức hóa kiến thức là bước cuối cùng giáo viên có nhiệm vụ tóm tắt, kết luận và hệ hống lại để học sinh ghi vào vở coi như là kiến thức của bài học.