1-Câu thiếu thành phần nòng cốt:
+Câu thiếu vị ngữ:
VD: “Hình ảnh người dũng sĩ mặc áo
giáp sắt, đội mũ sắt, cưỡi ngựa sắt, vung gậy sắt, xông thẳng vào quân thù.” Câu
này chỉ mới có phần phát triển nội dung cho một danh từ đầu câu, chưa có vị ngữ .
Phải sửa là: “Hình ảnh người dũng sĩ mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt, cưỡi ngựa sắt, vung
gậy sắt, xông thẳng vào quân thù đã gây nên những ấn tượng mạnh mẽ.”
+Câu thiếu chủ ngữ:
VD:”Qua tác phẩm Tắt đèn cho ta thấy
hình ảnh người phụ nữ nông dân trong chế độ cũ.” phải sửa là” Qua tác phẩm Tắt
đèn, Ngô Tất Tố cho ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân trong chế độ cũ.”
+Câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ:
VD:”Từ những chị dân quân ngày đêm
canh giữ đồng quê và bầu trời tổ quốc, đến những bà mẹ chèo đò anh dũng
trên các dòng sông đầy bom đạn.” câu này chỉ có bộ phận tương đương với thành phần
trạng ngữ mà chưa có cụm C-V. Phải sửa là:
“Từ những chị dân quân ngày đêm canh
giữ đồng quê và bầu trời tổ quốc, đến những bà mẹ chèo đò anh dũng trên các dòng
sông đầy bom đạn, tất cả đều biểu lộ tinh thần chiến đấu bất khuất kiên cường.”
+Câu ghép thiếu vế câu:
VD:”Mặc dù trong công cuộc xây dựng
CNXH, họ gặp bao nhiêu khó khăn gian khổ về vật chất, gặp bao nhiêu luận
điệu xảo trá nham hiểm của kẻ thù nhằm phá hoại công cuộc xây dựng CNXH.” Đây là
câu ghép theo quan hệ nhượng bộ tăng tiến nhưng thiếu hẳn một vế, phải thêm
là: "Mặc dù trong công cuộc xây dựng CNXH, họ gặp bao nhiêu khó khăn gian khổ về
vật chất, gặp bao nhiêu luận điệu xảo trá nham hiểm của kẻ thù nhằm phá hoại công
cuộc xây dựng CNXH, nhưng họ vẫn tin ở thắng lợi.”
2-Câu không phân định mạch lạc các
thành phần câu:
Do khi viết không phân định mạch lạc
nội dung vấn đề trình bày do tư duy rối, thường gặp hơn cả là việc không phân
định rõ trạng ngữ và chủ ngữ, hai thành phầnnày ở đầu câu nên dễ nhập làm một
nên câu văn lủng củng tối nghĩa
VD: “Qua bản báo cáo của ông cho
chúng ta thấy tình hình sản xuất trong xí nghiệp còn nhiều khó khăn”. Cách chữa: bỏ
từ “Qua” đầu câu lúc đó “bản báo cáo của ông” là chủ ngữ hoặc bỏ từ “Của” thì
“Ông” là chủ ngữ.
3-Câu sai về trật tự sắp xếp các
thành phần:
Phương thức trật tự từ trong tiếng
Việt biểu thị quan hệ ngữ pháp trong câu, nếu sắp xếp không thích hợp có thể sai
nghĩa.
VD:”Nhằm tăng cường các hoạt động
giáo dục về bảo vệ thiên nhiên trong nhà trường, chi hội bảo vệ thiên nhiên
được thành lập.”
Sửa lại là: “Chi hội bảo vệ thiên
nhiên được thành lập nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục về bảo vệ thiên nhiên
trong nhà trường.”
4-Câu sai về quan hệ ngữ nghĩa giữa
các bộ phận:
a-Câu phản ánh sai hiện thực khách
quan: do không nắm vững kiến thức
VD:”Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo nhân
dân ta đánh đuổi quân Minh giành nền độc lập cho Tổ quốc.”
b-Quan hệ nghĩa của các bộ phận
trong câu không phù hợp với những quan hệ trong thực tế khách quan hoặc không
phù hợp với các quy luật của nhận thức, tư duy con người:
VD:"Qua những tác phẩm văn học văn
học ở thế kỷ XVIII, bọn quan lại phong kiến ra sức hoành hành, không bảo
đảm nổi đời sống cho người dân lương thiện.”
Câu này quan hệ giữa trạng ngữ và
nòng cốt câu không phù hợp , phải chữa là:"Qua những tác phẩm văn học văn học ở thế
kỷ XVIII, ta thấy bọn quan lại phong kiến ra sức hoành hành, khiến cho đời sống
cho người dân lương thiện không bảo đảm. ”
c-Quan hệ ý nghĩa giữa các bộ phận
của câu thực chất không phù hợp với các phương tiện hình thức thể hiện quan
hệ: thường xảy ra ở các câu ghép có dùng quan hệ từ nhưng không thích ứng với quan
hệ ý nghĩa giữa các vế câu, bộ phận câu.
VD:”Phan Bội Châu đã tố cáo bọn thực
dân Pháp bóc lột nhân dân ta về thuế má nhưng ông không ngần ngại mà không
vạch mặt bọn thực dân Pháp cướp bóc nhân dân ta.”
Câu này quan hệ giữa 2 vế
không phải là quan hệ đối lập nên không thể dùng từ “nhưng”, phải chữa lại
:”Phan Bội Châu đã tố cáo bọn thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta về thuế má hơn nữa ông
còn vạch mặt bọn chúng ở tội ác cướp bóc nhân dân ta về các lãnh vực khác.”
5-Câu sai về dấu câu:
Các lỗi về dấu câu liên quan đến lỗi
cấu tạo ngữ pháp và quan hệ ý nghĩa trong câu
+Dùng dấu chấm ngắt câu khi câu chưa
hoàn chỉnh trọn vẹn:
VD:”Chế độ kẻ giàu sang áp bức người
nghèo khó, người là lang sói đối với người. Chế độ đó thật bất công, đáng
lên án và tiêu diệt”. Chữa lại là: :”Chế độ kẻ giàu sang áp bức người nghèo khó,
người là lang sói đối với người, thật bất công đáng lên án và tiêu diệt”.
+Không đánh dấu phẩy ngắt câu khi đã
trọn ý và chuyển sang ý khác:
VD:”Với mạng lưới y tế cơ sở rộng
khắp trong những năm chống Mỹ cứu nước (-) y tế xã phường, thị trấn đã đóng góp
công sức to lớn vào cấp cứu thương tại chỗ(*)gương tiêu biểu cho lớp cán bộ
cơ sở y tế đó là anh hùng lao động Trần Chữ”.
Ví dụ này cần thêm dấu phẩy ở vị trí
(-) và dấu chấm ở vị trí (*).
+Dùng lẫn lộn các dấu câu:
VD: “Họ chưa hiểu rõ cái gì là ưu
điểm, cái gì là hạn chế trong nền kinh tế thị trường?” cần thay dấu chấm hỏi thành
dấu chấm vì câu trên tuy dùng từ cái gì nhưng không phải là câu hỏi mà là câu
tường thuật.
6-Câu sai về mạch lạc và liên kết
câu trong văn bản:
Nếu câu đúng về cấu trúc ngữ pháp
nhưng thiếu sự liên kết với các câu khác hoặc liên kết vô lý trhì vẫn là câu sai.
Có thể khái quát thành 3 lỗi cơ bản: Không thống nhất về chủ đề giữa các câu; quan hệ
giữa các ý mâu thuẫn; dùng từ không đúng các phương tiện
liên kết hình thức.