Thuyết trình không đơn thuần là “trình bày, thuyết minh” nó là một nghệ thuật để thu phục nhân tâm tạo động lực thôi thúc người xung quanh. Hãy rèn luyện kỹ năng thuyết trình chỉ với 4 bước thật đơn giản!
1. Chuẩn bị và chọn lọc nội dung thật tốt
Sai lầm đầu tiên của hầu hết mọi người là đưa quá nhiều thông tin không cần thiết vào bài thuyết trình. Họ không nỡ bỏ đi những thông tin đã dày công tìm kiếm sưu tầm, và luôn nghĩ bất cứ thông tin nào họ có được cũng quan trọng. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến bài thuyết trình của bạn bị loãng, làm người nghe chán nản. Bạn sẽ không tài nào hoàn thành một bài thuyết trình gồm 80 trang trong buổi thuyết trình kéo dài 10 phút. Vì thế bước đầu luyện kỹ năng nói trước đám đông chính là sắp xếp và chọn lọc các nội dung. Hãy sắp chúng theo mức độ quan trọng với chủ đề, từ đó loại bỏ những thông tin ít quan trọng để tập trung vào những thông tin được chọn.
2. Điều chỉnh ánh mắt khi thuyết trình
Đừng bao giờ chỉ hướng ánh mắt của mình về một hướng. Hãy phân bố ánh mắt đến nhiều khu vực trong phòng để tạo thiện cảm với người nghe. Điều này cũng giúp bạn nhìn được mọi người có đang tập trung lắng nghe hay không, để có những điều chỉnh kịp thời. Nếu kỹ năng thuyết trình của bạn chưa thật sự điêu luyện và khá e dè với việc phải nhìn mọi người để thuyết trình, lời khuyên cho bạn hãy thử tìm “Fan” trong phần đầu của bài thuyết trình. Đó là những người thật sự có hứng thú, có thể ủng hộ bạn. Việc đó sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái tự tin hơn. Nhưng sau đó vẫn nhớ là ánh mắt phải luôn phân bố rộng khắp khán phòng để tạo thiện cảm với những người khác.
3. Tương tác với người nghe một cách chủ động
Đa số tâm lý mọi người đến với những buổi thuyết trình là nghe sau đó về. Họ sẽ rơi vào trạng thái thụ động dẫn tới sự tương tác một chiều và làm giảm hiệu quả của chính thông điệp mà ta muốn truyền tải. Đó không thể nào được xem là một buổi thuyết trình thành công. Để khắc phục tình trạng trên, bạn hãy có những tương tác với người nghe bằng một cuộc thăm dò hay khảo sát trực tiếp. Nhớ là đừng bao giờ đưa ra những câu hỏi bất ngờ khiến họ ấp úng, điều đó sẽ tạo hiệu ứng ngược. Thật ra bản chất của kỹ năng thuyết trình trước đám đông chính là giao tiếp với nhiều người cùng một lúc. Mà đã gọi là giao tiếp thì cần có sự tương tác chứ không đơn giản bạn nói và mọi người ngồi nghe một cách thụ động.
4. Đặt giá trị làm tác động lớn đến người nghe
Trước khi thuyết trình bạn nên cần hiểu rõ người nghe là ai, họ muốn gì, họ thích gì, và điều gì sẽ tác động tốt đến với họ. Trong một buổi thuyết trình, người nghe thường chỉ tiếp nhận thông điệp sau khi tiếp nhận người thuyết trình. Đơn giản hơn là họ chỉ tin vào những gì bạn nói khi đã có sự tin cậy ở bạn. Ngược lại những điều bạn nói dễ làm người nghe thiếu đồng tình và tự tạo mâu thuẫn.