Tại Việt Nam, Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu vào năm 2009, tại các thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chi Minh, Cần Thơ, Huế, Nha Trang. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Việt Nam tập trung kêu gọi cộng đồng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào Cuộc đua Phát thải cân bằng, trong đó kêu gọi xã hội cùng chung tay đưa phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng và giảm thiểu để không còn rác thải nhựa trong tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, chung sức đưa Việt Nam đạt được các mục tiêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia đến năm 2030, thực hiện cam kết thỏa thuận Paris và các cam kết về Biến đổi khí hậu khác đối với Quốc tế.
Thực hiện “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3/2021 (thứ Bảy) tại trụ sở, nơi làm việc, hộ gia đình. Tăng cường sử dụng các loại bóng đèn và thiết bị tiết kiệm điện.Lựa chọn và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng; dùng gang tay trong quá trình giặt, rửa, vệ sinh để hạn chế sử dụng nước nóng; đóng kín cửa, đặt nhiệt độ từ 250C đến 280C, tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút; rút phích cắm khi không sử dụng thiết bị điện; không sử dụng thang máy khi di chuyển giữa các tầng gần nhau; tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên; tắt động cơ xe khi dừng đèn đỏ trên 10 giây…
Hạn chế sử dụng túi ni-lông, tăng cường sử dụng các sản phẩm nhựa dùng nhiều lần, nhựa sinh học (bioplastic) và các sản phẩm làm từ nguyên liệu dễ tái chế thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng các bình thủy tinh, gốm, sứ thay các chai nhựa. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sau khi sử dụng sản phẩm nhựa cần phân loại, thu gom rác thải đúng quy định nhất là rác thải nhựa y tế, túi ni-lông.
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, chung tay bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cộng đồng cả nước cho hôm nay và mai sau.