Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp, đó là tinh thần anh dũng, kiên cường, tạo nên sức mạnh dân tộc để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Phụ nữ Việt Nam luôn hiện diện với vai trò quan trọng trong đời sống và sự phát triển toàn vẹn của xã hội cũng như con người. Trong xây dựng, phát triển đời sống cũng như lao động, đấu tranh chống lại thế lực sai trái cũng như bảo vệ đất nước hôm nay, người phụ nữ Việt Nam luôn phát huy được phẩm chất tốt đẹp của mình. Phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc ta từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng ấy đã dần kết tinh thành những phẩm chất đạo đức tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: “Tự tin. tự trọng. trung hậu, đảm đang”.
Đi qua các thời kỳ trong tiến trình phát triển đất nước, những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng trên mọi phương diện. Chính vì những phẩm chất tốt đẹp này mà vai trò, vị trí của người phụ nữ ngày được nâng cao trong thời kì xã hội đổi mới. Để khẳng định và phát huy phẩm chất, vai trò của mình, phụ nữ Việt Nam có nhiều mặt thuận lợi do sự phát triển kinh tế mang lại, nhưng đồng thời họ cũng phải cố gắng hết mình, chiến thắng bản thân để chứng tỏ mình không chỉ là phái yếu, mà còn là phái đẹp, đẹp về nội tâm lẫn trí tuệ con người. Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta cũng đã và đang có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát huy hiệu quả vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, nhất là trước yêu cầu về phát triển đất nước trong tình hình mới
Phát huy phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới, người phụ nữ ngoài việc thực hiện trọn thiên chức, vai trò, nhiệm vụ của mình, còn không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có văn hoá, hoàn thiện về tri thức, có kỹ năng sống và khả năng biết tính toán, dự liệu, thông minh, linh hoạt, có sức khoẻ tốt để tiếp cận, nắm bắt kịp thời kiến thức khoa học để phục vụ công tác. Nhiều phụ nữ tham gia các hoạt xã hội hơn cả nam giới và họ đã mạnh dạn ứng cử, xung phong làm những công việc mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Họ đã thật sự thoát khỏi những định kiến, lễ giáo cổ hủ, hà khắc để vươn lên sống tốt hơn và có nhiều đóng góp hơn cho gia đình và xã hội. Phải nói rằng, khi xã hội có bình đẳng giới, nhận thức và vai trò của phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn.
Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt. Điển hình trong việc phụ nữ tham gia bộ máy nhà nước đó là cô giáo Phan Thị Thanh Tâm – Hiệu trưởng trường tiểu học Nhân Chính – Thanh Xuân – Hà Nội là người năng động sáng tạo. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cô giáo Nguyễn Thị Mai phó hiệu trưởng nhà trường luôn tìm tòi các phương pháp dạy học mới mang lại hiệu quả cao.
Các chị đã xây dựng tập thể giáo viên nhà trường luôn đồng lòng, đoàn kết; môi trường giáo dục thân thiện, ngày càng phát triển, thành tích năm sau cao hơn năm trước. Các chị là những người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Gác lại những bộn bề, bận rộn trong công việc cơ quan, trở về gia đình các chị là người vợ đảm đang, hiền thảo, tháo vát, người mẹ mẫu mực luôn chăm lo vun đắp cho hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái. Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, giúp cho người phụ nữ thực hiện hài hòa việc nước, việc nhà để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình, nhằm thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội.Để khẳng định vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung của nhân loại, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt: có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vươn lên mọi khó khăn thử thách… Họ phải biết cách sắp xếp công việc xã hội và công việc gia đình một các hợp lý, để làm được như vậy họ phải vượt qua rất nhiều gánh nặng trong cuộc sống. Người phụ nữ còn giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình có được ấm êm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười cũng là nhờ sự khéo léo của người phụ nữ. “ Không có mặt trời thì hoa không nở,… không có người mẹ thì nhà thơ và anh hùng đều không có” (Macxim Goocki ).
Các chị không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin, ước mơ hi vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Các chị dạy dỗ các con rất tốt. Con các chị đều ngoan ngoãn và gia đình ai cũng êm đềm hạnh phúc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” cho dù theo thời gian, chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi nhưng vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” cho gia đình của người phụ nữ thì không bao giờ thay đổi. Hiện nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào hỗ trợ người phụ nữ trong công việc nội trợ, giảm bớt sức lao động của người phụ nữ trong gia đình. Song, phụ nữ vẫn là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới việc dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình . Người phụ nữ là người nhóm ngọn lửa hạnh phúc tin yêu. Ta như nhận thấy được rằng ở họ thì những cống hiến cho gia đình không bao giờ vơi cạn. Người phụ nữ trong thời hiện đại họ rất năng động và hoạt bát không kém gì những đấng mày râu cả, thậm chí họ còn làm tốt hơn cánh đàn ông gấp nhiều lần. Người phụ nữ hiện đại luôn luôn biết làm mới mình.
Tinh thần đoàn kết còn được thể hiện ở mối quan hệ giữa BGH với đội ngũ GV, đó là mối quan hệ gần gũi, cảm thông, là sự góp ý chân thành, cởi mở chứ không mang tính áp đặt trên - dưới. Các đồng chí quản lí luôn biết nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ CNV trong trường, phân công công việc hay giải quyết những thắc mắc để không gây ức chế, cũng như sự hiểu lầm giữa GV với nhau. Chính vì thế nội bộ CNV trong nhà trường không tị nạnh hay đố kị mà thay vào đó là sự nhiệt tình vui vẻ hòa thuận. Để CBCNV đến trường “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”!
Đồng nghiệp của các chị : Lâm Thị Vương.