Phụ nữ luôn giữ vị trí quan trọng trong quả trình hình thành cộng đồng dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, không ai có thế phủ nhận được vai trò to lớn của phụ nữ . Khi đất nước hòa bình, nam - nữ được bình quyền, nhiều phụ nữ đã thoát khỏi cái bóng của nam giới mạnh dạn, tự tin lao động hay say mê nghiên cứu khoa học, chịu khó học hỏi trở thành những nữ cán bộ chủ chốt, nhà ngoại giao tài năng, trong số họ có nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ghi nhận và tôn vinh những cống hiến, hy sinh của phụ nữ, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đất nước đổi mới. Ðó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ.
Không phải bỗng dưng mà các nhà văn nhà thơ sáng tác ra câu thơ ca ngợi về chị em phụ nữ mà thực chất tạo hóa đã ban cho họ một sức chịu đựng để vượt qua khó khăn của cuộc sống. Bằng chứng hiện nay, họ vừa tham gia công việc ngoài xã hội còn cáng đáng thêm công việc của gia đình. Hòa nhập với sự phát triển của thế giới phụ nữ Việt Nam ngày càng hoàn thiện bản thân hơn: Tự tin, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường. Bài viết này tôi xin viết về một tấm gương tự lực, tự cường vượt lên số phận của một cô giáo - người chị mà tôi vô cùng yêu quý cô Lưu Thị Tuyết Mai giáo viên trường tiểu học Nhân Chính - Thanh Xuân - Hà Nội. Ở con người đó hội tụ những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam vừa hiện đại, vừa truyền thống.
Cuộc đời đã không mỉm cười với cô, khi người chồng đầu gối tay ấp mắc bệnh hiểm nghèo đã ra đi mãi mãi. Gánh nặng gia đình giờ đây đè nặng lên đôi vai của cô. Mọi lo toan vất vả của cuộc sống, tưởng chừng sẽ đánh gục người giáo viên có số phận bất hạnh, nhưng dường như chính điều đó lại là động lực thôi thúc cô cố gắng phấn đấu.Với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và tinh thần vượt khó, trong suốt những năm tháng làm việc tại trường Tiểu học Nhân Chính - quận Thanh Xuân - Hà Nội, cô luôn là nhà giáo mẫu mực, có nhiều sáng kiến mới trong phương pháp giảng dạy.
Nhiều năm, cô được công nhận là giáo viên "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Với đồng nghiệp cô sống hết mình luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn, luôn quan tâm thăm hỏi khi gia đình có việc. Với hoàn cảnh gia đình như vậy, cô phải trải qua không ít nỗi buồn, sự ưu phiền đan xen là những tâm tư, suy nghĩ và những trăn trở về tương lai phía trước. Đúng thời điểm khó khăn nhất, cô đã dũng cảm vượt lên chính mình, hoàn cảnh cũng không đánh gục được ý chí và nghị lực của cô: “ Giống như cây xương rồng sống giữa sa mạc”.
Với tinh thần lạc quan, yêu đời, không đầu hàng trước số phận, không nản chí trước khó khăn, cô giáo Tuyết Mai vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo viên ở trường, là người mẹ đảm đang , nuôi dạy con ăn học. Thương mẹ vất vả, cậu con trai Dương Trung Hiếu của cô luôn chăm ngoan, học giỏi, ngoan ngoãn vâng lời mẹ, luôn giúp đỡ mẹ các công việc. Dù gặp nhiều khó khăn, sự vất vả lo toan trong cuộc sống , nhưng tôi vẫn thấy đôi mắt cô ánh lên niềm tin và sự hạnh phúc, niềm tự hào khi nhắc cậu con trai. Cuộc sống tạo ra những khó khăn để thử thách nghị lực của con người nhưng với ý chí, lòng quyết tâm cùng sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, cô giáo Mai sẽ không chỉ làm tròn trách nhiệm của người mẹ mà còn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.
Trong cuộc sống của mỗi người, nghị lực sống giống như một điểm tựa vững chắc giúp bản thân vượt qua khó khăn để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính sự quan tâm, chia sẻ của người thân , bạn bè, đồng nghiệp đã giúp cô có được thêm nghị lực sống, vươn lên thoát khỏi số phận trở thành những con người có ích cho xã hội. Họ cũng chính là những tấm gương sáng về nghị lực sống để cộng đồng noi theo. Qua bài viết này tôi muốn gửi đến như một món quà tinh thần dành cho chị , chúc chị luôn khỏe mạnh, tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà giáo, làm tròn bổn phận của một người mẹ mẫu mực. “ Sông có khúc người có lúc, đường ta đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng”. Nếu như một ngày nào đó chúng ta gặp điều gì bất trắc trong cuộc sống, đừng tự ti mà hãy theo gương của cô Tuyết Mai mà nhìn lên phía trước. Đó không những là tương lai của chúng ta, mà quan trọng hơn cả chính là tương lai của con em chúng ta nữa các bạn đồng nghiệp ạ! Chúng ta hãy cố gắng, cố gắng hơn nữa để đóng góp chút công sức vào nền giáo dục nước nhà. Ngày nay, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chung của cộng đồng. Từ đó họ có thêm cơ hội được tiếp cận với thông tin và kiến thức, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, chính sách; nhu cầu giao lưu, mở rộng các mối quan hệ, thực hành dân chủ sẽ giúp phụ nữ hòa nhập tốt hơn vào đời sống xã hội và là điều kiện để thực hiện bình đẳng giới. Phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc. Phụ nữ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, đúng như Bác Hồ đã nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Người viết
Lâm Thị Vương