Ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã trở thành ngày lịch sử, ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946, đó là đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước mới giành độc lập.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất coi trọng việc thực thi pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Để khẳng định vị trí thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của mọi người dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và mọi tầng lớp trong xã hội.
Ngày 04 tháng 04 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó “Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là “Ngày Pháp luật”) được tổ chức hằng năm vào ngày 09 tháng 11.
Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng đất nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. – Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018, trường Tiểu học Nhân Chính đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm của nhà trường về “Ngày Pháp luật” đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thực hiện có hiệu quả với các hoạt động như:
- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho giáo viên thông qua các buổi họp Hội đồng Sư phạm, họp chuyên môn;
- Giới thiệu, phổ biến các tài liệu pháp luật tới toàn thể học sinh thông qua Tủ sách pháp luật của Thư viện nhà trường.
- Cập nhật thường xuyên các tài liệu pháp luật thông qua website của nhà trường để cha mẹ học sinh và nhân dân địa phương tiện theo dõi.
- Giáo viên các khối lớp lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong mỗi tiết học, môn học phù hợp.
- Tham gia thi tìm hiểu pháp luật (100% cán bộ, giáo viên nhà trường đã tham gia các cuộc thi tìm hiểu Bộ Luật hình sự 2015 do Sở Tư pháp phát động.
- Đóng góp 02 sáng kiến, mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong nhà trường do Bộ tư pháp phát động.
- Kết hợp với công an quận Thanh Xuân và Honda Việt Nam tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, thực hiện tốt an toàn khi tham gia giao thông.
Những hoạt động thiết thực trên đã giúp nâng cao hiệu quả về giáo dục pháp luật, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường tìm hiểu, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật, tạo chuyển biến mới về chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện của nhà trường.