Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi đất nước còn non trẻ gặp phải biết bao khó khăn bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn, Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký Sắc lệnh thành lập ngành TDTT của nước Việt Nam mới.
Ngày 31-1-1946, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành thể dục thể thao ngày nay. Và ngày 27-3-1946, Người ký tiếp Sắc lệnh số 33, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ có ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu.
Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.
Chúc mừng các thầy cô giáo làm công tác Thể dục của trường nhân ngày Thể thao Việt Nam!