Có nhiều các biện pháp kiểm soát véc tơ như sử dụng hóa chất để diệt muỗi và bọ gậy đã đem lại hiệu quả làm giảm quần thể muỗi tại các khu vực ổ dịch. Tuy nhiên làm tăng kháng hóa chất, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Biện pháp hiệu quả lâu dài, an toàn khi sử dụng, không gây ảnh hưởng đến môi trường là sử dụng cá ăn bọ gậy đã được áp dụng trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn ít được quan tâm.
Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thực hiện trong năm 2017 với 6 loài cá thường được sử dụng diệt bọ gậy: cá có kích thước lớn (cá rô đồng, cá rô phi, cá vàng) và cá có kích thước nhỏ (cá bảy màu, cá kiếm, cá chọi).
Để tiến hành mỗi thí nghiệm, các mẫu cá được cho ăn no, sau đó cho nhịn trong vòng 2 ngày trước khi tiến hành thí nghiệm để đánh giá được khả năng ăn bọ gậy tốt nhất của các loài cá và để đánh giá được khả năng ăn bọ gậy khi nguồn thức ăn ít (khi đói) và khi nguồn thức ăn ổn định (thức ăn bổ sung liên tục).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 2 nhóm cá đều có khả năng ăn bọ gậy. Trong đó, các loài cá cỡ lớn ăn rất nhiều bọ gậy (trung bình 2.325 bọ gậy/ngày), các loài cá cỡ nhỏ ăn trung bình 280 bọ gậy/ngày.
Do ưu thế về kích thước nên các 3 loài cá có kích thước lớn ăn được nhiều bọ gậy/ngày hơn so với 3 loài cá có kích thước nhỏ. Tuy nhiên khi đánh giá theo thể trọng cơ thể thì các loài cá có kích thước nhỏ cho thấy hiệu suất tương đương so với các loài cá có kích thước lớn.
Theo trọng lượng cơ thể, cá vàng ăn nhiều nhất với trung bình 301 bọ gậy/gram/ngày; cá rô đồng ăn bọ gậy ít nhất với trung bình 65 bọ gậy/gram/ngày. Trong số 3 loài cá có kích cỡ lớn, cá vàng cho thấy khả năng ăn bọ gậy theo thể trọng tốt nhất và ít nhất là cá rô đồng; cá chọi ăn bọ gậy theo thể trọng tốt nhất trong số 3 loài cá cỡ nhỏ và ít nhất là cá kiếm.
Các loài cá thử nghiệm có sự chênh lệch khá lớn về số lượng bọ gậy ăn được của các loài cá qua các ngày thí nghiệm. Cả 6 loài cá thử nghiệm đều cho thấy cá ăn nhiều nhất trong ngày đầu, giảm dần sau ngày thứ 2 và khá ổn định sau những ngày tiếp theo.
Nghiên cứu dựa trên đặc điểm tình hình các ổ bọ gậy nguồn tại Hà Nội. Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy có thể thả cá chủ yếu ở 2 dạng thể tích (các bể cảnh, thùng, vại nhỏ dưới 500 lít và các bể chứa nước sinh hoạt trên 500 lít), do vậy việc lựa chọn 2 nhóm cá cỡ lớn và cỡ nhỏ thường được cộng đồng sử dụng là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thực tiễn.
Như vậy, kết quả nghiên cứu là căn cứ cơ sở để lựa chọn các loại cá phù hợp để thả vào các dụng cụ chứa nước có dung tích khác nhau, áp dụng tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền qua các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các phường, xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc tư vấn cho cộng đồng lựa chọn các loài cá phù hợp với loại dụng cụ chứa nước thực tế cũng cần có những số liệu và kết quả cụ thể để làm cơ sở hướng dẫn cho người dân trước tiếp xử lý tại hộ gia đình. Do đó, nghiên cứu khả năng ăn bọ gậy theo loài, theo giới tính của cá còn là cơ sở khoa học để tư vấn, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng biện pháp sinh học kiểm soát bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước có thể thả cá được.
Ngoài ra, việc lựa chọn loại cá sử dụng hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền, ngoài kết quả về khả năng ăn bọ gậy của một số loài cá cần phải kết hợp với một số đặc điểm sinh thái của cá khi áp dụng ngoài cộng đồng. Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu cụ thể về đặc điểm dân cư, tính hợp lý cũng như khả năng sống sót của các loài cá ngoài thực địa.
Theo: http://soyte.hanoi.gov.vn