Vận động thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng đối với không ít người, lợi ích này phải trả bằng cái giá khá đắt: bị chấn thương thể thao.
Những chấn thương này có thể xảy ra do tai nạn rủi ro nhưng đa phần đều đến từ trang thiết bị thể thao không đạt yêu cầu, tập luyện kỹ thuật và thể lực không đủ, khởi động không đúng kỹ thuật. Chấn thương thể thao có thể xảy đến cho bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, những chấn thương thể thao thường gặp: bong gân, đau căng cơ, trật khớp, gãy xương, đứt dây chằng, đứt gân… Nhiều bệnh nhân gặp chấn thương thể thao nhưng không biết, bệnh nhân chịu đau dai dẳng, tìm đến các biện pháp massage, châm cứu, thậm chí tìm thầy lang để nắn, kéo, giật ... khiến bệnh càng nặng thêm, gây ra những hậu quả khó lường.
Hiện nay, tình trạng một số người tự lên mạng tham khảo và tập theo hướng dẫn trên mạng mà không có huấn luận viên trực tiếp hướng dẫn hiện nay khá phổ biến. Điều này dẫn đến nguy cơ gặp chấn thương cũng sẽ rất cao. Ngay cả trong một số trường hợp có huấn luyện viên hướng dẫn nhưng do người tập ham uốn dẻo hoạc do sơ xuất vẫn có thể bị chấn thương.
Theo PGS Khánh, khi bị chấn thương điều đầu tiên cần làm là dừng chơi. Với chấn thương nhẹ thì chườm mát bằng cách cho đá vào túi nước để ở nhiệt độ khoảng 6-12 độ C. Sau đó băng ép cố định. Cố gắng kê cao vùng tổn thương lên nhằm giảm ứ trệ tuần hoàn máu. Sau 24-72 giờ mà vết thương vẫn sưng tấy, không thuyên giảm nên đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Nếu bị nặng hơn có thể dùng thuốc chống phù nề, giảm đau, dạng xịt, bôi, kem, nếu trong tình trạng rất nặng thì xử trí ngay tại sân tập để bệnh nhân nằm bất động tạm thời, xem người bệnh có gẫy xương, hay tổn thương ở những chô nào không ví dự như cột sống cổ…. cần phải cố định và gọi đội vận chuyển chuyên nghiệp bởi nếu không có kỹ năng mà vận chuyển sai tư thế sẽ có thể làm tăng mức độ tổn thương cho người bệnh. Trong những trường hợp tổn thương vùng cổ, tủy sống nếu không vận chuyển đúng cách người bệnh có thể bị liệt.
Để phòng tránh chấn thương thể thao, PGS Khánh khuyến cáo, khi tuổi tác ngày càng lớn, thì càng có nhiều nguy cơ bị những chấn thương kể trên vì vậy hãy chấp nhận giới hạn của cơ thể để điều chỉnh kỹ thuật và chiến thuật chơi thể thao phù hợp với sức mình. Thay vì tập trung sức lực và thời gian chơi hết mình ngày cuối tuần rãnh rỗi sẽ gây mệt hoặc quá tải, nên rải đều tập luyện các ngày trong tuần. Ở mỗi độ tuổi, sức khỏe sẽ thay đổi, nên chọn môn thể thao phù hợp, kiểu chơi vừa sức với mình, tránh quá tải hay gãy xương do mệt. Khi đã chọn được một môn thể thao phù hợp cần phải chọn giày, dụng cụ thể thao thích hợp cho từng môn chơi. Luôn mang băng cổ tay, gối, cổ chân, băng giảm chấn…bảo vệ cơ thể. Phải khởi động kỹ trước khi tập luyện và thi đấu, khi tập xong thì thả lỏng căng cơ thật kỹ. Bổ sung nước và điện giải để cung cấp nước và năng lượng đầy đủ. Đừng vội vã tập luyện, thi đấu cường độ cao, mà hãy từ từ và đều đặn tăng dần ngưỡng vận động cơ thể.
Mỗi hình thức vận động sẽ tập luyện cho các bộ phận khác nhau của cơ thể và đem lại những lợi ích sức khỏe khác nhau nên Tập luyện thể lực bằng nhiều hình thức vận động hỗ trợ khác nhau sẽ tránh bị nguy cơ chấn thương và thể lực sung mãn hơn.
Và cuối cùng nên lắng nghe và thấu hiểu cơ thể mình. Khi tập luyện thể thao, nếu thấy mệt, phong độ thay đổi, hay một chỗ nào đó trên cơ thể bị đau, cần phải cảm nhận ngay và giúp cơ thể mình nghỉ ngơi, thay đổi hoặc phải sữa chữa những trục trặc này trước khi nó trở thành vấn đề nghiêm trọng. Khi gặp chấn thương hay trục trặc sức khỏe trong quá trình tập luyện thể thao, đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được tư vấn và chữa trị sớm, đúng cách, được điều trị hiệu quả và mau hồi phục, giúp người chơi thể thao sớm trở lại môn thể thao yêu thích của mình.