Mỗi năm vào ngày 15/10, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng, hàng triệu người trên toàn thế giới cùng cam kết thực hiện “hành động nhỏ” để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng: rửa tay sạch với xà phòng. Lần đầu tiên triển khai năm 2008, hoạt động này được tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe và giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là hướng tới các em nhỏ toàn thế giới. Hơn 58 nước đã chung tay cùng tham gia chiến dịch “Thế giới rửa tay với xà phòng” để cùng tuyên truyền ý thức về thói quen đơn giản nhưng đem lại hiệu quả không ngờ này. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể.
Chỉ một hành động rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh Tây - chân - miệng.
Thực tế, tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, ý thức rửa tay bằng xà phòng trong cuộc sống dường như chưa có, hoặc được thực hiện không đầy đủ. Theo thống kê mới nhất của Quỹ Nhi Đồng Liên hợp Quốc, số lượng người rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn chỉ chiếm 12% và con số này chỉ nhỉnh hơn một chút, với 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Thói quen không tích cực này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây nên hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm. Tầm quan trọng của việc rửa tay chưa được nhìn nhận đúng đắn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát, trong đó có cả Ebola.
Không dừng lại chỉ là đợt hưởng ứng ngày thế giới rửa tay 15.10, mà hành động thiết thực này sẽ trở thành ý thức của học sinh toàn trường khi thực hiện giữ vệ sinh trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh tại trường.
Hãy ngăn chặn sự lây lan các bệnh truyền nhiễm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra bằng hành động nhỏ nhất - Rửa tay với xà phòng./.