Có nhiều trường hợp người bệnh bị động vật cắn và đa phần là các vật nuôi. Cần lưu ý, nhiễm trùng thứ phát trong các vết thương này có thể dẫn đến bệnh nặng hoặc tử vong. Vết cắn từ động vật có vú như chó, mèo, khỉ dơi có thể gây nhiễm trùng vì nước bọt của các loài này chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Đôi khi chỉ cần một vết trầy xước nhỏ, nước bọt của động vật có thể xâm nhập vào cơ thể nạn nhân và gây nhiễm trùng.
Vết cắn từ chó, mèo:
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh dại ở người đều do vết cắn từ chó và mèo hoang. Cần lưu ý, bệnh dại ở chó và mèo rất khó phát hiện, đặc biệt trong giai đoạn sớm của bệnh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nên tránh tiếp xúc với chó, mèo lạ.
Trường hợp bị chó hoặc mèo cắn, nên làm sạch vết thương ngay và đến ngay cơ sở y tế.
Vết cắn từ khỉ:
Có nhiều du khách bị khỉ cắn trong quá trình du lịch đến "đảo khỉ". Những vết trầy, xước này có thể truyền bệnh dại cũng như virus herpes B.
Sau khi bị khỉ cắn hoặc cào, nạn nhân nên làm sạch vết thương và đến trung tâm y tế ngay lập tức để có thể tiến hành đánh giá và dự phòng sau phơi nhiễm. Vết cắn của các loài thuộc bộ linh trưởng có thể truyền virus herpes B có liên quan đến nhóm virus herpes simplex.
Dơi:
Trong những chuyến đi đến hang động, công viên, rừng rậm chúng ta có thể bị tấn công bởi dơi. Bất kỳ một vết cắn nào từ dơi đều có nguy cơ mang mần bệnh dại. Cần chú ý nếu một con dơi có nhiều khả năng mang bệnh dại nếu hoạt động ban ngày, được tìm thấy riêng rẻ ở những nơi dơi không thường tập trung. Những vết cắn từ dơi có thể khó phát hiện vì hàm răng của chúng khá nhỏ nên vết thương gây ra không được rõ ràng và không quá nghiêm trọng.
Nếu nghi ngờ bản thân bị dơi cắn, dù không có dấu vết rõ ràng. Cần tìm đến sự hỗ trợ y tế để được đánh giá và tiến hành dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).
Những loài động vật khác:
Vết cắn, trầy xước từ chuột và động vật gậm nhấm nói chung không có khả năng truyền bệnh dại. Tuy nhiên, cũng cần được đánh giá trên từng trường hợp cụ thể để xác định hướng điều trị.
Ong, nhện, bọ cạp có thể gây ra vết thương ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau từ sưng nhẹ, tấy đỏ cho đến các triệu chứng nặng hơn (khó thở hoặc nuốt, đau ngực, đau dữ dội tại nơi bị đốt) lúc này nạn nhân cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Hầu hết các loài động vật biển đều vô hại trừ khi bị đe dọa, hành động tấn công của chúng đều nhằm mục đích tự vệ. Vì vậy, với các hoạt động dưới nước (lặn, lướt sóng) nên chú ý các loài động vật có thể gặp phải. Các vết thương do động vật biển gây ra thường có những đặc điểm chung: nhiễm khuẩn, có dị vật trong vết thương, đôi khi có độc. Những loài có thể gây ra chấn thương bao gồm: cá đuối, sứa, cá mặt quỷ, nhím biển, cá mù làn. Trước khi đi đến một vùng biển nào đó, tốt nhất bạn nên tìm hiểu về những loài động vật có thể gặp phải.
Phòng tránh:
Cần đảm bảo:
- Đã tiêm phòng vắc xin uốn ván hoặc trong giai đoạn 5 -10 năm trở lại đây đã tiến hành tiêm mũi nhắc lại;
- Tiêm phòng vắc xin dại trước phơi nhiễm.
Không nên tiếp xúc với những vật nuôi lạ, đặc biệt là trẻ em vì trẻ thường dễ bị cắn hơn người lớn.
Trong các hoạt động dưới nước, nên mặc quần áo bảo hộ như giày dép, kính bảo hộ.
Xử lý vết thương:
Cần phải nhắc lại, sau khi bị trầy xước hoặc cắn bởi động vật điều đầu tiên cần làm đó là vệ sinh ngay vết thương bằng xà phòng và nước. Nếu vết thương bị chảy máu cần cầm máu.
Đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá và phác đồ điều trị tùy thuộc vào độ nghiêm trọng của vết thương như: vắc xin (vắc xin phòng bệnh dại, vắc xin dại, vắc xin uốn ván) thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc giảm đau.