Trò chơi nguy hiểm là những loại trò chơi dễ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ như bắn súng cao su, trượt patin, tuột cầu thang; đánh căng, nhảy ngựa, chọc phá tổ ong; rút ghế khi bạn đứng dậy; đấu kiếm, đánh nhau bằng que nhọn; chơi tập trận giả hoặc so tài nhảy từ trên cao xuống...
Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích khám phá; thể lực, phản xạ của trẻ chưa được thuần thục nên chưa lường hết được các loại tai nạn thương tích có thể xảy ra từ những trò chơi nguy hiểm như vừa nhảy dây vừa ăn hạt bắp, hạt đậu, kẹo bánh... dễ dẫn đến sự hóc sặc; chơi nghịch rút ghế khi bạn đứng dậy để bạn bị ngã... Ngoài ra, một số trò chơi mà trẻ không biết cách chơi, luật chơi và thiếu sự an toàn như chạy thi nhưng khi về đến đích trẻ dừng lại đột ngột dễ bị ngã, choáng; khi chơi trò chơi vượt chướng ngại vật trẻ phải được hướng dẫn rõ luật chơi; đấu kiếm phải có mũ, mặt nạ bảo hiểm; khi chơi trò chơi lái xe đụng phải có dây an toàn và có người lớn giám sát.
Từ những đặc điểm tâm sinh lý nói trên của trẻ, người lớn cần phải hướng dẫn cho trẻ nhận biết môi trường an toàn ở chỗ chơi, các đồ chơi, trò chơi, luật chơi và bảo đảm an toàn khi chơi. Dạy bảo cho trẻ em nhận biết được hậu quả và tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao xuống, nhảy ngựa, bắn súng cao su, rút ghế khi bạn đứng dậy... Hướng dẫn trẻ cách xử trí khi gặp tai nạn thương tích do các trò chơi nguy hiểm như hô hoán, gọi người lớn đến giúp đỡ, sơ cứu ban đầu... Nên tổ chức cho trẻ các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thư tham quan, cắm trại, chơi các trò chơi lành mạnh. Xây dựng môi trường an toàn ở khu vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; dùng trang thiết bị để trẻ vui chơi an toàn; có biển báo nguy hiểm ở những nơi cần thiết... Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc dạy bảo, hướng dẫn và giám sát các hoạt động vui chơi của trẻ./.
Nguồn: http://moh.gov.vn