Khi bị hóc, sặc dị vật, nạn nhân cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách và được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi, thăm khám lại cẩn thận.
Khi dị vật mắc kẹt trong họng sẽ ngăn cản dòng khí thở, gây tắc nghẽn đường thở, làm người bệnh không thể thở hoặc nói. Hầu hết tắc nghẽn đường thở là hậu quả do thức ăn mắc kẹt trong thanh quản, khí quản. Ở trẻ nhỏ, nghẹt thở khí quản do dị vật xảy ra khá phổ biến. Nếu không sơ cứu nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng bệnh nhân bị thiếu dưỡng khí, dẫn đến có thể gây tổn thương não nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do ngạt thở. Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 3 phút.
Khi phát hiện nạn nhân bị hóc dị vật cần liên hệ ngay cấp cứu 115 hoặc trung tâm y tế gần nhất để được trợ giúp. Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, có thể thực hiện các bước sơ cấp cứu cho nạn nhân. Việc sơ cứu cho nạn nhân bị tắc nghẽn đường thở do dị vật rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt được giữa tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn và hoàn toàn. Nếu nạn nhân không thực sự nghẹt thở, và có tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, tốt hơn nhất là khuyến khích nạn nhân ho để tự loại bỏ tắc nghẽn đường thở. Nếu nạn nhân thực sự nghẹt thở (tắc nghẽn đường thở hoàn toàn) thì sẽ có biểu hiện một trong các dấu hiệu: dấu hiệu nghẹt thở, cả hai tay nắm chặt vào cổ họng; không thể nói chuyện được; không thể thở hiệu quả được mà không gặp khó khăn – sẽ không có sự chuyển động của khí; không thể ho hiệu quả được; thở khò khè hay ồn ào; thay đổi mầu sắc da: môi và móng tay chuyển mầu xanh; cuối cùng là bất tỉnh.
Các dấu hiệu chứng tỏ tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn là nạn nhân có thể nói, khóc, và trả lời được; thở khò khè, khó nhọc, hoặc thở hổn hển, có một chút khí được thở ra đường miệng; ho được; rất kích động hoặc lo lắng; da trở lên nhạt mầu hoặc chuyển mầu xanh.
Có thể sơ cứu nạn nhân bằng các cách như tiến hành 5 lần vỗ lưng bằng gót bàn tay. Theo đó, người sơ cứu dùng phần cuối của bàn tay (gót bàn tay) vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần riêng biệt tại vị trí giữa hai bả vai. Cần đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh và mỗi lần vỗ lưng được tách biệt. Cố gắng đánh bật dị vật ra với mỗi lần vỗ lưng. Đánh giá tình trạng cải thiện của nạn nhân sau mỗi lần vỗ lưng. Chú ý không được sử dụng nghiệm pháp vỗ lưng ở nạn nhân có tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn bởi vì có nguy cơ đẩy dị vật (gây bán tắc đường thở) ngược lên hoặc thậm chí đẩy dị vật vào sâu hơn trong đường thở, điều này có thể sẽ làm cho đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn. Nếu nạn nhân còn trả lời được cần trấn an nạn nhân; khuyến khích nạn nhân ho; theo dõi sát tình trạng nạn nhân; gọi xe cứu thương nếu tắc nghẽn đường thở không giảm, hoặc nếu nghe thấy tiếng thở khò khè hoặc thở ồn ào.
Tiến hành 5 lần đẩy bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich), theo đó, người sơ cứu đứng ở phía sau nạn nhân, dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân (2 tay của người sơ cứu ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn nạn nhân); dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng của nạn nhân (cạnh của ngón tay cái tỳ vào bụng) ở ngay phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị); nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia. Tiến hành những lần đẩy bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng. Dừng lại nếu nạn nhân bị bất tỉnh. Nếu tình trạng tắc nghẽn đường thở chưa cải thiện thì tiếp tục luân phiên 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy bụng cho tới khi dị vật được đánh bật ra. Các phương pháp này áp dụng cho người lớn và trẻ trên 2 tuổi.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ. Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát trẻ xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp. Kiểm tra xem trẻ đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới. Cần lưu ý sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.