Hiện nay có bệnh sởi những tuần gần đây đang gia tăng và bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa và đạt đỉnh tháng 10,11. Ngoài ra còn có bệnh viêm phổi do cúm A, tay chân miệng… đây bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp nên nếu trẻ có dấu hiệu hắt hơi, sổ mỗi, viêm long đường hô hấp thì cần cách ly tiếp xúc.
Bên cạnh đó có sự xuất hiện của vi rút hợp bào hô hấp, tiếng anh gọi respiratory syncytial - RSV, thực ra vi rút rất thông thường chúng gây ra các bệnh lý viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế quản… Đối với vi rút RSV trên thế giới đang nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị vi rút này hiện chưa có. Để điều trị vi rút RSV thì phác đồ điều trị làm giảm nhẹ triệu chứng, chống suy hô hấp, thông thoáng đường thở, điều trị bội nhiễm nếu có dấu hiệu bội nhiễm kèm theo, dùng điện giải, chăm sóc dinh dưỡng… và điều trị tùy theo bệnh lý.
Ngoài ra, bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ cũng đang bùng phát. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh tay chân miệng hay gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi với các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao và đau họng; sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân - những nốt này nhỏ hơn nốt thủy đậu và thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt. Bệnh không có thuốc đặc trị. Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày.
Đây thời điểm giao mùa nên giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa, bổ xung chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Để phòng chống dịch bệnh cuối năm đặc biệt thời tiết chuyển mùa thu - đông thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển như: cúm, cúm mùa, thủy đậu, sởi... các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đây đủ, thực hiện các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của ngành y tế. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt, ho và các triệu chứng lạ cần đưa đến các cơ sở y tế khám và điều trị.