Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích là việc cần làm trong mỗi gia đình nhất là các gia đình có con nhỏ cần chú ý quan sát, giám sát trẻ; các bác sĩ khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo:
Đối với tai nạn đuối nước thì cấp cứu tại chỗ là yếu tố quyết định sự sống còn của nạn nhân. Ngay khi đưa được trẻ bị đuối nước lên bờ, cần phải nhanh chóng tiến hành cấp cứu trẻ bằng biện pháp hà hơi thổi ngạt. Người cấp cứu cần đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên, ngửa nhẹ cổ, dùng gạc hay khăn sạch móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân (nếu thấy có dị vật hay đờm dãi trong miệng), sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bịt mũi trẻ rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu sờ vào cổ tay trẻ không có mạch, phải ép tim ngay cho trẻ. Người cấp cứu dùng hai tay chồng lên nhau ép lên giữa lồng ngực trẻ, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 lần rồi ép tim 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim. Quá trình ép tim và thổi ngạt cần được tiến hành liên tục trong khi chờ đợi xe cứu thương đến. Tuyệt đối tránh áp dụng các biện pháp như xốc nước, dốc ngược trẻ lên vai, gây nôn, hơ lửa... vì hoàn toàn không có hiệu quả mà chỉ làm lãng phí thời gian cấp cứu.
Đối với tai nạn ong đốt, cần bình tĩnh kiểm tra các vết đốt và tìm xem có kim độc hay không, nếu có thì nhẹ nhàng lấy ra. Cần rửa sạch cho trẻ những vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi đá lên vùng đó để làm giảm đau và giảm sưng. Để trẻ nằm yên, hạn chế cử động vì trẻ cử động sẽ làm nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.
Đối với tai nạn bị rắn cắn, cần xác định được loài rắn đã cắn xác định rắn có độc hay không và mức độ độc.Cần giữ trẻ bình tĩnh, không hốt hoảng, không cử động, tốt nhất là nằm yên và bất động chi bị cắn để giảm phát tán các nọc độc vào tuần hoàn. Sau đó rửa sạch vùng da bị cắn bằng nước muối sinh lý, có thể dùng gạc sạch đậy lên, băng quấn kín vết thương rồi chuyển đi bệnh viện. Không được chích, rạch hay nặn ép, hút nọc độc tại vùng vết cắn, vì biện pháp này không có lợi ích mà còn làm tổn thương thêm mạch máu tại chỗ, có thể làm nọc độc phát tán nhanh hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Không được đắp đá, chườm lạnh hay bôi bất kỳ hóa chất, thuốc, lá cây nào... lên vết cắn mà không có ý kiến của nhân viên y tế. Không nên băng ép, garo vùng chi bị cắn, vì sẽ làm tắc nghẽn mạch máu, gây đau và gây thiếu máu chi rất nguy hiểm.
Đối với tai nạn do hoạt động thể thao: bong gân và căng cơ có thể chườm lạnh tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể gặp các tổn thương về xương như gãy xương... cần bất động chi tốt trên đường đưa trẻ đi cấp cứu. Với những chấn thương có chảy máu cần rửa sạch vết thương, lấy bỏ dị vật rồi băng cầm máu.
Để phòng chống tai nạn thương tích cần quan tâm đến trẻ em đặc biệt trẻ nam, nhóm tuổi 10 đến 14 tuổi. Chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng. Đặt các biển báo, biển cấm ở không nơi nguy hiểm không cho trẻ em đến gần, leo trèo gây tai nạn. Bên cạnh đó, gia đình phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của trẻ, trong nhà xếp đồ đạc gọn gàng, đồ điện, phích nước nóng phải để trên giá cao, chắc chắn để trẻ không với tới được. Ngoài ra, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức trong phòng chống tai nạn thương tích để tăng cường khả năng bảo vệ mình khi sự cố xảy ra. Cùng với đó, việc tạo nơi vui chơi, an toàn cho trẻ trong dịp hè không chỉ là nhiệm vụ của một ngành nào mà là trách nhiệm của cả gia đình, cộng đồng và xã hội. Phải có sự phối hợp chặt chẽ, có những hành động cụ thể thì chúng ta mới có thể tạo dựng được một môi trường an toàn cho trẻ.