Cuộc sống khó khăn qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã rèn giũa, hun đúc nên cốt cách người dân Việt Nam yêu lao động, chăm chỉ cần cù, có khát vọng tự do, độc lập, ý chí kiên cường bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, căm thù quân xâm lược. Chính cuộc sống khó khăn đó đã hun đúc nên lòng nhân ái, tính nhân văn của dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đùm bọc yêu thương, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay). Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hội Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự ở các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên rằng: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự và trong suốt 23 năm cho tới khi qua đời, Người vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch danh dự của Hội, tiếp đó Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơnevơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, trong cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III (ngày 15/12/1965), Hội Hồng thập tự Việt Nam được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cũng là thành viên tích cực của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm đã được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ, bao gồm:
- Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo
- Chăm sóc sức khoẻ
- Sơ cấp cứu ban đầu
- Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác
- Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa
- Tuyên truyền các giá trị nhân đạo
- Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ.
Hội hoạt động vì mục tiêu nhân đạo - hòa bình - hữu nghị, với 4 tính chất đặc thù: tính xã hội sâu sắc, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống và tính quốc tế cao cả.
Trải qua 9 kỳ đại hội với nhiều thăng trầm của lịch sử, với những bước trưởng thành vượt bậc và những cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương lao động hạng Nhì (1971), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1988), Huân chương Hồ Chí Minh (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (2005), Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 (2011).
Sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.