Theo kết quả nghiên cứu về an toàn giao thông tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, học sinh trung học phổ thông có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây. Các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông trẻ em bao gồm: đi sai phần đường; vi phạm tốc độ và thiếu quan sát; ý thức tham gia giao thông ở lứa tuổi này còn rất kém; sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện - loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h) càng góp phần gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông ở các đối tượng này.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông đã có nhiều biện pháp tuyên truyền được áp dụng. Việc lồng ghép phổ biến luật giao thông vào các hoạt động cộng đồng, văn hóa văn nghệ của HSSV làm cho nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu và gần gũi. Các chương trình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong các trường học luôn được đẩy mạnh.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chọn chủ đề an toàn giao thông năm 2018 là An toàn giao thông cho trẻ em với mục tiêu giảm từ 5-10% số thương vong do tai nạn giao thông, đặc biệt giảm tối thiểu 10% con số thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em. Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường - tháng 9/2018”, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho HSSV; tiếp tục triển khai bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến các Sở Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2018-2019. Đồng thời, thực hiện kế hoạch tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh vào lớp 1 năm học 2018 - 2019.