Như tên gọi của nó, bệnh viêm kết mạc mùa xuân thường xảy ra vào mùa xuân. Thời điểm này hoa nở rộ và phấn hoa là nguyên nhân chính gây ra dị ứng.
Triệu chứng bệnh viêm kết mạc mùa xuân
- Bệnh nhân thấy mắt ngứa, muốn dụi tay vào mắt nhưng càng dụi càng ngứa.
- Đỏ cả hai mắt, chảy nước mắt
- Cảm giác như mắt bị bỏng
- Sợ ánh sáng
- Ra nhiều gỉ mắt
- Bệnh thường có tính chất tái đi tái lại, tái phát theo mùa.
- Khi lộn mi, ở mi mắt có những hạt lớn (đường kính trên 1mm) nằm sát nhau như lát sỏi, nhú gai có mạch máu ở đỉnh, hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen.
Đối tượng mắc bệnh
Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nam từ 5-20 tuổi (rất hiếm khi bệnh gặp ở người lớn tuổi).
Cơ chế của bệnh viêm kết mạc mùa xuân
Viêm kết mạc mùa xuân là một trong những loại viêm kết mạc do dị ứng. Bệnh xảy ra ở trên người có cơ địa dị ứng. Do cơ địa dị ứng nên bệnh nhân bị viêm kết mạc mùa xuân thường có thêm các bệnh viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da cơ địa…
Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân gây hại. Ví dụ, bụi được xem là chất vô hại đối với mắt người bình thường, nhưng đối với mắt bệnh, khi gặp bụi, mắt sẽ tiết ra rất nhiều nước và dịch nhầy.
Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù…
Ðiều trị viêm kết mạc mùa xuân
Điều trị viêm kết mạc mùa xuân cũng giống như viêm kết mạc dị ứng khác. Khi khám, bác sĩ tại bệnh viện mắtsẽ khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân để phán đoán về dị nguyên.
Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với dị nguyên để không tái phát bệnh. Có rất nhiều thuốc uống và thuốc nhỏ mắt đáp ứng rất tốt với bệnh, nhưng bệnh nhân cần đi khám để được kê đơn, không tự ý mua thuốc dùng.
Do bệnh hay tái phát nên nhiều bệnh nhân có thể chủ quan mà lấy ngay đơn thuốc cũ để dùng. Điều này là sai lầm. Vì cùng một bệnh nhưng ở mỗi thời điểm có thể sẽ phải dùng những loại thuốc khác nhau tùy mức độ viêm.
Chú ý là việc dùng kéo dài một số loại thuốc (ví dụ như thuốc có thành phần corticoid…) sẽ gây những tác dụng phụ ở mắt. Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.
Một số cách giảm khó chịu khi viêm kết mạc dị ứng
- Ðắp gạc lạnh hay chườm đá lạnh vào mắt cho bớt ngứa.
- Nhỏ các thuốc rửa mắt (nước muối sinh lý 0,9%) hay nước mắt nhân tạo cho trôi hết các phấn hoa, bụi bặm bám vào mắt.
Lưu ý: Tránh day dụi mắt vì có thể khởi tạo một đợt viêm mắt, thậm chí có thể gây xước giác mạc ảnh hưởng đến thị lực.
Phòng bệnh viêm kết mạc mùa xuân
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông chó mèo…).
- Vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Hãy đảm bảo rằng nhà bạn không chứa nhiều bụi. Chăn, ga, rèm cửa… nên được thường xuyên giặt giũ.
- Không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà. Đặc biệt trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa.
- Nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt, đóng cửa sổ nếu bạn đi ô tô.
- Năng tập thể dục để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Bài trắc nghiệm gợi ý bạn có nguy cơ bị dị ứng mắt hay không?
- Gia đình hay người thân bạn có tiền sử bị dị ứng mắt hay không?
- Mắt bạn có thường cảm thấy ngứa, đặc biệt là trong mùa xuân hoặc khi thay đổi mùa hay không?
- Bạn đã từng bị viêm kết mạc bao giờ chưa?
- Bạn có phải dùng thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi để giảm bớt các triệu chứng ho, hắt hơi hoặc sung huyết hay không?
- Khi có phấn hoa trong không khí bên ngoài, mắt bạn có giảm bớt đỏ ngứa nếu như bạn ở trong môi trường kín có điều hòa ở chế độ bật hay không?
- Mắt bạn có bị ngứa, chảy nước khi bạn sử dụng mỹ phẩm hoặc khi thay đổi loại mỹ phẩm, hoặc ở gần vùng có hương thơm quá mạnh không?
Kết quả: Nếu càng nhiều các câu trả lời của bạn là “có”, nguy cơ cao bạn bị dị ứng mắt hoặc là người có cơ địa dị ứng, nên cần cảnh giác với bệnh viêm kết mạc mùa xuân.