Bước 1: Niềm Tin Tích Cực
Học sinh cần tin rằng chúng CÓ THỂ và XỨNG ĐÁNG đạt được điểm tuyệt đối. Niềm tin tích cực này truyền cảm hứng mạnh mẽ cho chúng trong học tập. Nếu giả sử chúng có sơ xuất hay không đạt được những gì đề ra, chúng không bỏ cuộc mà trái lại sẽ học hỏi từ sai lầm của mình và làm lại cho đến khi thành công.
Bước 2: Đề Ra Mục Tiêu Phấn Đấu Cụ Thể, Rõ Ràng
Học sinh cần hướng đến các mục tiêu cụ thể, rõ ràng và trên tất cả, chúng biết mình muốn gì trong cuộc sống. Các mục tiêu trong tương lai của chúng (ví dụ: học tại trường Harvard, trở thành triệu phú, tìm phương thuốc chữa bệnh ung thư, v.v…) mang lại cho chúng nguồn động lực lớn thúc đẩy bản thân chúng có tinh thần và thái độ học tập chăm chỉ, trong khi những em khác bị phân tán vào những việc khác ngoài chuyện học tập. Chúng đặt ra những mốc cụ thể như đạt toàn điểm mười trong kỳ thi và làm hết sức mình để đạt được điều đó. Chúng coi điểm số cao như một phương tiện giúp chúng đạt được những gì chúng muốn trong cuộc sống.
Bước 3: Quản Lý Thời Gian
Học sinh cần biết cách ưu tiên cho những việc quan trọng và quản lý thời gian tốt để hoàn thành những nhiệm vụ đề ra. Nếu không nắm được kỹ năng quản lý thời gian, chúng sẽ bối rối không biết cách phân bổ thời gian cho những yêu cầu trong học tập, hoạt động ngoại khóa, gia đình và giải trí. Chúng thường sẽ rơi vào trạng thái hoang mang không biết phải làm cái gì trước cái gì sau hoặc để nước đến chân mới nhảy. Câu cửa miệng của những em này thường là “Mình sẽ làm việc đó khi có thời gian” hay “Thôi cứ để đến mai hẵng hay”.
Bước 4: Đọc Nhanh
Điều đầu tiên mà học sinh cần lên kế hoạch phải làm là đọc sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo khác. Trong khi một người trung bình đọc khoảng 150-240 từ một phút và hiểu được dưới 50%, những học sinh được huấn luyện khả năng đọc nhanh có thể đọc được khoảng 850-1500 từ một phút. Đọc nhanh gấp sáu lần và hiểu được từ 80% đến 100%!
a) Đọc phần tóm tắt trước Thông thường, các em được dạy là đọc phần tóm tắt chương vào phút chót, còn chúng tôi dạy học sinh đọc phần tóm tắt trước khi vào đọc nội dung chi tiết. Với việc đọc phần tóm tắt trước, học sinh có một khái niệm rõ ràng hơn, một cái nhìn tổng quan về các ý chính và các đơn vị kiến thức. Sau đó, khi đọc vào nội dung chi tiết, chúng có thể lĩnh hội và nắm bài được tốt hơn.
b) Đọc câu hỏi trước Tiếp theo đó cần đọc các câu hỏi (thường ở đoạn cuối chương) trước khi đọc nội dung. Khi biết câu hỏi trước, học sinh có mục tiêu rõ ràng hơn khi đọc sách và có khái niệm sơ bộ về những thông tin chính cần nắm. Một lần nữa, cách thức này sẽ tăng cường khả năng hiểu bài của người học lên đáng kể.
c) Đọc với cây bút dẫn đường Một kỹ thuật quan trọng là đọc với một cây bút dẫn đường cho ánh mắt bạn qua từng dòng chữ. Những học sinh sử dụng vật dẫn đường sẽ đọc tập trung hơn và hiệu quả hơn trong việc nắm ý.
d) Đọc một lúc từng cụm 5-7 từ Lý do chính khiến đa số mọi người có tốc độ đọc sách dưới tiềm năng thật sự của họ là vì ngay từ đầu họ đã nhiễm thói quen đọc từng chữ một. Khi mắt ta dừng lại và dính vào từng chữ một, tốc độ đọc của ta sẽ dừng lại ở vạch giới hạn là 240 từ một phút. Điều mà nhiều người còn chưa nhận ra là mắt người có khả năng đọc được 5-7 từ cùng một lúc (gọi là khẩu độ mắt). Làm cách nào học sinh của chúng tôi có thể đọc với tốc độ 1500 từ một phút? Chẳng qua là chúng tôi rèn luyện các em đọc từng cụm 5-7 từ trong mỗi lần nhìn. Kết quả là tốc độ đọc của chúng ngay lập tức tăng gấp 5-7 lần.
Bước 5: Lọc Ra Thông Tin Chính
Khi đọc sách giáo khoa, học sinh phải học một kỹ năng quan trọng, đó là xác định và thu thập những từ khóa trong một đoạn văn. Những em học kém cố đọc và ghi nhớ tất tần tật mọi thứ trong bài. Trong khi các em học giỏi biết rằng mỗi bài trong sách giáo khoa chỉ có 20% từ khóa chứa đựng thông tin cần thiết để đạt điểm mười. Vì vậy, chúng lọc và trích ra 20% những thông tin chính yếu đó, nhờ vậy mà thời gian học và ôn bài được giảm xuống đáng kể.
Bước 6: Ghi Chú Bằng Cả Não Bộ
Việc tiếp theo mà tất cả học sinh giỏi đều làm là chúng dùng cả não bộ vào việc sắp xếp các từ khóa và thông tin vào bảng ghi chú để ôn bài và ghi nhớ nhanh chóng. Bằng việc sử dụng cách ghi chú bằng cả não bộ (ví dụ: Sơ Đồ Tư Duy, Đồ Thị Phát Triển, Sơ Đồ Khái Niệm, v.v…), chúng tiết kiệm được nhiều thời gian ôn bài và ghi nhớ bài (nhờ vào việc dùng cả hai bán cầu não). Trong thực tế, kết quả học tập của một học sinh phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng ghi chú của học sinh đó.
Bước 7: Kỹ Thuật Ghi Nhớ
Lời biện minh và cũng là lời than phiền thường gặp nhất của những đứa trẻ học yếu là vì chúng có trí nhớ kém. Trong khi các em học giỏi biết rằng không có chuyện trí nhớ tốt hay kém, mà chỉ có việc trí nhớ đó có được rèn luyện hay không. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật trí nhớ siêu đẳng đã được đề cập chi tiết trong sách “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, học sinh có thể ghi nhớ đầy đủ và sau đó nhớ lại tất cả sự kiện và con số trong ghi chú một cách dễ dàng.
Bước 8: Ứng Dụng Kiến Thức Lý Thuyết Để Giải Các Dạng Bài Tập, Câu Hỏi
Hiếm khi nào những câu hỏi và đề thi ra giống hệt trong sách hoặc chỉ cần bê nguyên si những kiến thức trong bài học vào làm là đúng chính xác. Vì thế mới có chuyện những người học vẹt hiếm có cơ hội đạt điểm tuyệt đối. Sau khi lưu tất cả sự kiện và thông tin vào bộ nhớ, học sinh phải biết cách ứng dụng và tổng hợp những gì vừa học vào trả lời các dạng câu hỏi và giải các bài tập khác nhau thường ra trong đề thi. Sở dĩ các em học sinh xuất sắc đạt nhiều điểm mười là bởi vì chúng biết cách ứng dụng linh hoạt kiến thức vào những dạng câu hỏi và đề bài cụ thể. Chúng cũng biết rằng mỗi đơn vị kiến thức có một số dạng câu hỏi và bài tập nhất định. Chúng sẽ làm quen với tất cả các dạng câu hỏi có thể ra thi (từ các đề thi cũ) và học các bước để đưa câu trả lời tốt nhất có thể.
Bước 9: Ôn Bài
Các nghiên cứu khoa học cho thấy não bộ con người có khuynh hướng quên đi 80% những gì được học trong vòng 24 giờ. Các học sinh giỏi biết rằng chúng phải liên tục ôn bài từ các ghi chú bằng cả não bộ. Có như vậy kiến thức mới không bị lu mờ và có thể mở sẵn một “cổng vào” để khi cần chỉ cần nhấp vào đó, khối kiến thức sẽ được đánh thức dậy. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Chỉ có một cách: bao giờ cũng ôn lại những gì đã học trong vòng 24 tiếng.
Bước 10: Kỹ Năng Thi
Bước cuối cùng là học và áp dụng các kỹ năng thi cử khi làm bài thi. Những người học hành hiệu quả biết cách thư giãn trước giờ thi, khi vào phòng thi rồi thì biết cách trình bày bài ngắn gọn, súc tích và quản lý thời gian hiệu quả để hoàn thành bài thi tốt nhất trong ngày quan trọng này.
Nguồn: https://tgmbooks.vn/muoi-buoc-hoc-tap-hieu-qua/