Ngoài ý nghĩa giúp người học có cơ hội rèn luyện thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, so sánh, tưởng tượng… và hình thành các phẩm chất trí tuệ: bề rộng, bề sâu, tính linh hoạt…, quá trình tìm giải đáp cho câu hỏi còn giúp người học rèn luyện thói quen tư duy.
Đồng thời, giúp tăng cường trí nhớ; tạo cơ hội cho người học tìm tòi, củng cố, kịp thời phát hiện và khắc phục những lỗ hổng trong kiến thức, mở rộng kiến thức và lĩnh hội tốt nội dung học tập để có thể vận dụng vào cuộc sống.
Đặt câu hỏi không phải là vấn đề quá khó khăn bởi sinh viên có thể thực hiện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tuy nhiên, đây cũng không là việc hoàn toàn dễ dàng nếu thiếu kỹ năng và sự rèn luyện để trở thành thói quen trong hoạt động tự học của học sinh.
Các dạng câu hỏi
Các dạng câu hỏi có thể sử dụng là: Câu hỏi đóng : Cái gì? Ai ? Khi nào? Ở đâu? Để làm gì? Là gì?
Câu hỏi mở : Như thế nào? Tại sao?
Ví dụ: Mục đích của nội dung học tập là gì? Bài học cung cấp những tri thức gì? Những khái niệm chính trong bài học đã được hiểu rõ chưa? Ai tham gia vào/ có liên quan đến những hoạt động/ nội dung được nêu trong bài học? Hoạt động/ nội dung được nêu trong bài học được thực hiện khi nào? ở đâu?
Vấn đề nêu trong bài học được thể hiện như thế nào trong thực tiễn? Những thành tựu và tồn tại ? Nguyên nhân của những thành tựu và những tồn tại là gì? Làm thế nào để khắc phục những tồn tại? v.v…
Trả lời câu hỏi bằng cách nào?
Việc trả lời câu hỏi có thể được thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau nhằm giúp người học có sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, thu thập được lượng thông tin phong phú, đa dạng để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về vấn đề. Người học có thể giải đáp câu hỏi bằng những cách thức sau đây:
Qua tài liệu
Bên cạnh sách giáo khoa, học sinh có thể tìm hiểu vấn đề qua sách, tài liệu tham khảo có liên quan ở thư viện trường, thư viện, nhà sách hoặc bạn bè.
Thông tin tham khảo từ sách vở, tài liệu giúp sinh viên có thể tìm được những luận cứ bổ sung, những ví dụ minh hoạ cho nội dung bài học, làm sáng tỏ vấn đề đặt ra; đồng thời mở rộng, đào sâu hiểu biết về nội dung học tập và tích lũy kiến thức cho những bài học tiếp theo.
Từ sách vở và tài liệu, người học còn có cơ hội phát hiện ra những quan điểm khác và thông tin mới đối với vấn đề đang nghiên cứu.
Qua việc khai thác thông tin trên internet và các phương tiện thông tin đại chúng
Thông tin trên internet, báo, đài là những thông tin mang tính thời sự, cập nhật và phản ánh thực tiễn sâu sát nhất. Từ các phương tiện này,học sinh có thể tìm ra những minh hoạ cụ thể cho phần lý luận trong bài học và tìm hiểu về thực trạng của vấn đề.
Ví dụ: “cơn bão giá” gây ra tình trạng bỏ học nơi học sinh là một minh chứng cho thấy mối liên hệ, tính qui định của xã hội đối với giáo dục…, chuyện một thanh niên dù đã được cải tạo nhưng lại tái phạm tội trộm cắp vì không tìm được việc làm để mưu sinh cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất trong các tác động giáo dục đối với người được giáo dục …
Qua quan sát thực tiễn
Lý luận chính là sự đúc kết thực tiễn. Thực tiễn là nơi cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa dạng và sinh động cho vấn đề được nêu ra. Những câu chữ tưởng chừng như khô cứng trong bộ môn sẽ trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn nếu người học có thể làm sáng tỏ nó bằng các sự vật, hiện tượng quan sát được trong thực tiễn.
Ví dụ, người học có thể tìm ra nguyên nhân của những bất cập trong kết quả của quá trình giáo dục bằng cách quan sát phương pháp giáo dục, tính tích cực của người được giáo dục, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục… ở trường phổ thông.
Qua sự trải nghiệm
Với những gì đã được trải nghiệm, người học có thể cảm nhận sâu sắc nhất những vấn đề được nêu trong bài học.
Ví dụ: người là nạn nhân của những hành vi phi đạo đức, văn hóa là người hiểu rõ ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh; người có sức khỏe yếu sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe đối với con người để có thể làm thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh đối với môn thể dục và nội dung giáo dục thể chất vốn được cho là môn phụ.
Qua trao đổi với bạn bè
“Học thầy không tày học bạn”. Giữa bạn bè cùng trang lứa, học sinh dễ dàng bộc bạch những suy nghĩ, vướng mắc về những vấn đề chưa được sáng tỏ.
Kiến thức, sự trải nghiệm, kinh nghiệm, nội lực của cá nhân mỗi sinh viên sẽ là nguồn tư liệu quý báu để sinh viên cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ thông tin với nhau trên con đường lĩnh hội tri thức.
Qua trao đổi với giáo viên
Trong quá trình đi tìm lời giải cho những câu hỏi, sẽ có lúc học sinh cảm thấy lúng túng giữa nhiều luồng thông tin, ý kiến khác nhau.
Chính lúc này, người thầy với vai trò trọng tài, cố vấn sẽ giúp phân định đúng sai hoặc định hướng cho học sinh cách giải quyết vấn đề đặt ra. Vì vậy, chủ động hỏi thầy khi vẫn còn băn khoăn, vướng mắc cũng là một trong những phương cách tạo thuận lợi cho việc lĩnh hội bộ môn.
Những điều cần lưu ý khi đặt câu hỏi
Để việc học tập bộ môn đạt hiệu quả và người học có thể vận dụng lý luận vào thực tiễn, cần lưu ý một số điều sau đây:
Câu hỏi phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống của học sinh
Câu hỏi giúp học sinh tìm ra nguyên nhân và giải pháp để có sự nhận thức vấn đề một cách toàn diện hơn, đồng thời chủ động hơn trong hoạt động của mình.