1. Cấu tạo của tiếng
Mỗi tiếng thường có ba bộ phận: âm đầu, vần và thanh (thanh điệu). Trong đó, vần được chia thành 3 bộ phận: âm đệm, âm chính, âm cuối.
Ví dụ:
+ Tiếng "bầu" có âm đầu "b", vần "âu", thanh "huyền". Vần "âu" thì "â" là âm chính, "u" là âm cuối.
+ Tiếng "chuyện" có âm đầu "ch", vần "uyên", thanh "nặng". Vần "uyên" thì "u" là âm đệm, "yê" là âm chính, "n" là âm cuối.
Tiếng nào cũng phải có vần và thanh. Có tiếng không có âm đầu.
Ví dụ: ẵm, im, yên, ai.
Tiếng Việt gồm 6 thanh: ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Thanh được thể hiện trên chữ viết là dấu thanh (còn gọi là dấu).
- Dấu thanh được đặt trên hoặc dưới kí tự ghi âm chính.
Ví dụ: là, lạ, toà, tạo.
Để hiểu cách ĐẶT DẤU THANH cần biết cách ghi nguyên âm đôi. Trong tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi. Chúng đều có nhiều cách ghi:
- Nguyên âm đôi /ua/ được ghi 2 cách:
+ Khi có âm cuối ghi là uô, thí dụ: muốn
+ Khi không có âm cuối ghi là ua, thí dụ: múa
-Nguyên âm đôi /ưa/ được ghi 2 cách:
+ Khi có âm cuối ghi là ươ, thí dụ: mượn
+ Khi không có âm cuối ghi là ưa, thí dụ: cửa
- Nguyên âm đôi /ia/ được ghi 4 cách:
+ Khi có âm cuối + không có âm đệm, ghi là iê, thí dụ: tiến
+ Khi có âm cuối + có âm đệm, ghi là yê, thí dụ: tuyến
+ Khi không có âm cuối + không có âm đệm, ghi là ia, thí dụ: mía
+ Khi không âm cuối + có âm đệm, ghi là ya, thí dụ: khuya
2. Quy tắc đặt dấu thanh
- Khi âm chính chỉ gồm 1 nguyên âm thì dấu thanh đặt vào âm chính. Thí dụ: lá, mạ, mắt, thịt, bút, ...
- Khi âm chính là một nguyên âm đôi (thể hiện bằng 2 chữ cái) thì chia làm 2 trường hợp:
+ Khi tiếng có âm cuối, dấu thanh được đặt ở yếu tố đứng sau của âm chính.
Ví dụ: muốn, miến, cường, muộn, tiện, vượng.
+ Khi tiếng không có âm cuối, dấu thanh được đặt ở yếu tố đứng trước của âm chính.
Ví dụ: múa, mía, cửa, lụa, lịa, vựa.
Nguồn: bigschool.vn