Thông qua các bài tập, câu hỏi cụ thể, dưới sự hướng dẫn, tổ chức của giáo viên (GV) sẽ góp phần bồi dưỡng cho học sinh (HS) tình yêu tiếng Việt, phát triển năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực thưởng thức văn học,...
Không những thế còn rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng sống cho các em và giúp các em có thể tự học suốt đời. Hình thức chủ yếu để tổ chức dạy học các bài thực hành tiếng Việt cho HS phổ biến từ trước đến nay cơ bản là hướng dẫn HS trả lời lần lượt các câu hỏi trong Sách giáo khoa (SGK).
Vì vậy, hiệu quả các giờ dạy học tiếng Việt chưa cao. Một trong những phương pháp góp phần nâng cao dạy học thực hành tiếng Việt là dạy học tích hợp trong đó đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của người GV nhất là trong việc sáng tạo, vận dụng linh hoạt một số dạng bài tập tích hợp mang đặc trưng riêng của phân môn này. Đây chính là một cách thức quan trọng “gõ” vào niềm đam mê học thực hành tiếng Việt cho HS.
Dạng bài tập phát hiện, phân tích
Đây là dạng bài tập nhằm giúp học sinh nắm rõ kiến thức và vận dụng cụ thể vào từng tình huống giao tiếp để phát hiện đúng, phân tích được ý nghĩa, giá trị, tác dụng của đơn vị kiến thức tiếng Việt cần ôn tập hoặc tìm hiểu.
Dạng bài tập trắc nghiệm, nối ô
Dạng bài tập này giúp cho HS nắm chắc bài học, nắm vững bản chất của hiện tượng, vấn đề vừa học, tránh những phân vân, thắc mắc, nhầm lẫn đáng tiếc.
Dạng bài tập liên hệ, tìm dẫn chứng trong các bài học
Không có cách gì tạo ra hứng thú với tiếng mẹ đẻ và văn chương ngoài con đường cho HS tiếp xúc trực tiếp, càng nhiều càng tốt với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực. Từ đó làm nảy sinh và duy trì hứng thú của học sinh với tiếng Việt, giúp các em thấy được sự thú vị, vẻ đẹp và khả năng kì diệu của chính đối tượng học tập - tiếng Việt
Dạng bài tập điền từ, sửa câu
Hình thức này giúp học sinh biết phát hiện vấn đề, rèn luyện kỹ năng dùng từ, diễn đạt.
Dạng bài tập đặt nhan đề cho văn bản hoặc đặt câu, viết đoạn văn
Dạng bài tập này nhằm hình thành và rèn luyện cho học sinh những kỹ năng tư duy, kỹ năng nhận biết, kỹ năng viết văn: đặt nhan đề, đặt câu, dựng đoạn, làm thành bài văn hoàn chỉnh.
Dạng bài tập so sánh, đối chiếu
So sánh, đối chiếu từ nhiều phương diện, khía cạnh để nhận biết đặc điểm, bản chất của từng đơn vị kiến thức bài học. Dạng bài tập này nhằm kiểm tra năng lực tổng hợp, khái quát hoá của học sinh.
Tóm lại, trong một tiết dạy thực hành tiếng Việt cụ thể, GV cần vận dụng kết hợp linh hoạt các dạng bài tập trên để kích thích tư duy đa chiều và phát triển tổng hợp năng lực, phẩm chất cần thiết cho HS. Việc tích hợp này nhằm mục đích hình thành bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và hình thành cho học sinh năng lực phân tích, bình giá, cảm thụ văn học một cách chủ động, sáng tạo đồng thời góp phần giải quyết những bài toán muôn thuở của giáo dục.
Phương pháp tích hợp giúp HS lĩnh hội các kiến thức và phát triển năng lực, kĩ năng tích hợp. Dạy học tích hợp còn là cách giảm tải kiến thức không thực sự có giá trị sử dụng, để có điều kiện tăng tải kiến thức có ích cho học sinh. Hơn nữa, dạy học tích hợp giúp người dạy nâng cao được năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học trở nên sáng tạo, năng động hơn trong quá trình dạy học.
Như vậy, phương pháp tích hợp giúp cả người dạy và người học phát triển được phẩm chất, năng lực và giúp cho quá trình dạy học đi đúng hướng hiện đại, tiến bộ.
Theo Báo Giáo dục và thời đại