1/ Giúp học sinh nắm được trình tự của việc giải một bài toán bằng hai phép tính.
Bước 1 : Đọc kĩ đề, tìm hiểu đề và xác định dạng toán.
Đây là bước quan trọng, giáo viên cần phải cho học sinh đọc thầm 2, 3 lần và giáo viên đến từng nhóm hướng dẫn học sinh học chậm phân tích đề, nêu được đề bài yêu cầu gì? Tìm ra đâu là dữ kiện đã biết, đâu là dữ kiện chưa biết và bài toán thuộc dạng nào?
Ví dụ 1 : Bài 3a /59 STN (Q1B)
Trong Hội khỏe Phù Đổng, đội tuyển của một tỉnh đã giành được 8 huy chương vàng, số huy chương bạc nhiều gấp 3 lần số huy chương vàng, Hỏi đội tuyển đó đã giành được tất cả bao nhiêu huy chương vàng và bạc?
- HS phải hiểu được :
+ Bài toán cho biết: Huy chương vàng là 8 cái, huy chương bạc nhiều gấp 3 lần số huy chương vàng.(dạng toán gấp một số lên nhiều lần để tìm số huy chương bạc)
+ Bài toán yêu cầu tìm: Số huy chương vàng và bạc.(dạng toán tìm tất cả)
Ví dụ 2 : Bài 4b /43 STN (Q1B)
Nhà Hoa có 1kg đường, mẹ đã dùng 3 lần, mỗi lần hết 150g. Hỏi nhà Hoa còn lại bao nhiêu gam đường?
- HS phải hiểu:
+ Bài toán cho biết: Số đường nhà Hoa có là 1kg. Vậy 1kg đường tương ứng với bao nhiêu gam đường?, mẹ đã dùng 3 lần, mỗi lần hết 150g. Vậy phải tìm số đường mẹ đã dùng 3 lần, thuộc dạng toán gấp một số lên nhiều lần.
+ Bài toán yêu cầu tìm: số đường nhà Hoa còn lại thuộc dạng toán tìm số còn lại.
Bước 2 : Tóm tắt bài toán
- Tập cho học sinh bước đầu có thói quen tóm tắt đề, xác định mối quan hệ giữa cái đã cho và cái phải tìm bằng nhiều hình thức.
- Có nhiều cách tóm tắt đề : bằng hình vẽ, bằng ngôn ngữ ngắn gọn, bằng sơ đồ …
- Thông thường các dạng toán nhiều hơn, ít hơn, gấp l số lên nhiều lần, giảm 1 số đi nhiều lần... thì tóm tắt bài toán theo sơ đồ đoạn thẳng rất dễ giải và dễ kiểm tra kết quả.
Bước 3 : Phân tích bài toán để tìm ra cách giải.
- Từ tóm tắt của bài toán, một lần nữa học sinh nắm chắc mối quan hệ giữa dữ liệu đã cho và dữ liệu cần tìm. Từ đó học sinh có thể suy luận tìm cách giải.
· Giáo viên đến các nhóm hướng dẫn các đối tượng cần lưu ý để giúp đỡ học sinh biết:
+ Xuất phát từ yêu cầu của đề ( tức là dữ liệu cần tìm ) rồi suy luận ngược lên cho đến những điều đã biết.
Với ví dụ trên ta hướng dẫn học sinh suy luận như sau:
Ví dụ 1 :
Nhìn vào sơ đồ ta có thể suy luận được ngay :
- Muốn tìm số huy chương vàng và bạc ta lấy số huy chương vàng cộng với số huy chương bạc.
- Số huy chương bạc chưa biết nên tìm số huy chương bạc.
- Số huy chương vàng gồm 1 phần tương ứng với 8 huy chương. Như vậy số huy chương bạc gồm 3 phần thì tương ứng với 8 x 3 = 24 (huy chương)
Ví dụ 2 :
- Muốn tìm số đường nhà Hoa còn lại ta lấy số đường nhà Hoa có trừ cho số đường nhà Hoa đã dùng.
- Số đường đã dùng chưa biết nên phải đi tìm.
- Dùng 1lần hết 150g như vậy dùng 3 lần (dạng toán gấp một số lên nhiều lần) nên ta lấy
150 x 3 = 450 (g)
+ Xuất phát từ yêu cầu của đề dữ kiện nào đã biết rồi thì thôi, còn dữ kiện nào chưa biết ta phải đi tìm.
Ví dụ 1 :
Nhìn vào sơ đồ ta có thể thấy ngay :
- Số huy chương bạc chưa biết mà số huy chương bạc gấp 3 lần số huy chương vàng (dạng toán gấp 1số lần lên nhiều lần) lấy 8 x 3 = 24(huy chương)
- Số huy chương vàng và bạc chưa biết(dạng toán tìm tất cả) lấy 8 + 24 = 32(huy chương)
- Ta đưa bài toán về tình huống đơn giản là: có 1 chục trứng gà, mẹ đã luộc 3 lần, mỗi lần 2 cái. Hỏi còn lại bao nhiêu cái trứng gà?
- HS dễ dàng nhận ra ăn 1lần 2 cái như vậy ăn 3lần sẽ hết 6 cái (lấy 2 x 3 = 6). Sau đó tìm số trứng còn lại (lấy 1 chục = 10 cái – 6 cái = 4 cái)
Từ đó HS suy ra cách giải tương tự cho VD2
Bước 4 : Trình bày bài giải
Từ quá trình suy luận trên, HS tự trình bày bài giải
· Bước này giáo viên cần chú ý để học sinh độc lập làm bài và khắc sâu kiến thức.
· Giáo viên nhắc nhở HS về lời giải phải ngắn ngọn, rõ ràng và sát với yêu cầu của đề, chữ viết, con số, dấu phép tính rõ ràng và đừng quên đáp số theo yêu cầu của đề. Trình bày bài giải cho đẹp (lời giải cách lề đỏ 1ô, phép tính cách lề đỏ 2ô và đáp số ghi dưới dấu bằng của phép tính thứ hai).
Bước 5 : Kiểm tra bài
Đây là bước không kém phần quan trọng nhưng nhiều em chưa có thói quen kiểm tra lại, hễ làm bài xong là nộp ngay. GV yêu cầu HS đọc thầm từng lời giải và phép tính kèm theo có phù hợp không, kiểm tra tính toán có đúng không. Từ đó giúp các em có thói quen tự kiểm tra, đánh giá và sửa chữa.
2/ Giáo viên phải xử lý linh hoạt các hình thức dạy học
- Giáo viên luôn suy nghĩ, tìm tòi để thay đổi các hình thức dạy học trong tài liệu hướng dẫn theo các logo cho phù hợp với đối tượng hs lớp mình.
- Nếu gặp những bài toán mà học sinh không hiểu thì nên đưa ra bài toán đồng dạng với số liệu nhỏ để HS dễ nhận ra và làm được. Còn những bài chính khóa thì yêu cầu em nào chưa hoàn thành thì về nhà làm lại vào vở.
- Bên cạnh đó, GV phải lập kế hoạch cụ thể cho từng bài dạy. Tuỳ theo nội dung mà quy định thời gian cụ thể cho từng bài tập.Tuỳ theo từng đối tượng học sinh mà giao việc, tránh để học sinh khá - giỏi chỉ dừng lại ở mức đạt kiến thức cơ bản tối thiểu.(ví dụ trong tiết Toán các em này thường làm xong bài trước bạn trung bình –chậm nên hay ngồi chơi, vậy giáo viên cần phát hiện nhờ các em đó đến kiểm tra bài giúp cô hoặc giúp bạn làm bài).