Để vận dụng phương pháp “ Bàn tay nặn bột”, chúng ta thường tuân theo tiến trình dạy học như sau:
Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề:
Tình huống xuất phát hay tình huống nêu vấn đề là một tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học. Tình huống xuất phát phải ngắn gọn, gần gũi dễ hiểu đối với học sinh. Tình huống xuất phát càng rõ ràng thì việc dẫn nhập cho câu hỏi nêu vấn đề càng dễ. Giáo viên phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng ( trả lời có hoặc không ) đối với câu hỏi nêu vấn đề.
Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học. Câu hỏi nêu vấn đề cần bảo đảm yêu cầu phù hợp với trình độ, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tò mò, thích tìm tòi, nghiên cứu của HS nhằm chuẩn bị tâm thế cho HS trước khi khám phá, lĩnh hội kiến thức. GV phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng.
Ví dụ Bài 20: Nước có những tính chất gì?- Khoa học 4
Ở phần: Hoạt động dạy học dự kiến của giáo viên:
Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề:(2 phút)
- Giáo viên cho học sinh xem 1 đoạn phim
Hỏi : Em có suy nghĩ gì về nước ?
Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh: Làm bộc lộ quan niệm ban đầu hay biểu tượng ban đầu để từ đó hình thành các câu hỏi hay giả thuyết của học sinh là bước quan trọng, đặc trưng của phương pháp BTNB. Khi yêu cầu học sinh trình bày quan niệm ban đầu, giáo viên có thể yêu cầu bằng nhiều hình thức biểu hiện của học sinh như có thể là bằng lời nói ( thông qua phát biểu cá nhân ), bằng cách viết hay vẽ để biểu hiện suy nghĩ.
Ví dụ: Bài 20: Ánh sáng - Khoa học 5
Sau khi nghe câu hỏi của GV trong tình huống xuất phát:
- Học sinh làm việc cá nhân: ghi lại những hiểu biết ban đầu của mình về ánh sáng vào vở ghi Khoa học (2 phút)
- Thảo luận với các bạn trong nhóm, thống nhất các ý kiến ghi vào bảng nhóm.
- Các nhóm trình bày kết quả làm việc của nhóm mình.
- Rút ra điểm giống và khác nhau giữa các nhóm.
Chẳng hạn:
+ Ánh sáng rất nóng.
+ Ánh sáng có nhiều màu.
+ Ánh sáng cho ta nhìn thấy mọi vật.
+ Ánh sáng quá mạnh sẽ có hại cho mắt.
+ Ánh sáng có từ mặt trời, mặt trăng, đèn, lửa và nhiều vật khác,….
…….
Bước 3: Đề xuất câu hỏi, giả thuyết, thiết kế phương án thực nghiệm
* Đề xuất câu hỏi:
Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu của học sinh, giáo viên giúp học sinh đề xuất câu hỏi. Chú ý xoáy sâu vào những sự khác biệt liên quan đến kiến thức trọng tâm của bài học. Đây là môt bước khá khó khăn vì giáo viên cần phải chọn lựa các biểu tượng ban đầu tiêu biểu trong hàng chục biểu tượng của học sinh một cách nhanh chóng theo mục đích dạy học, đồng thời linh hoạt điều khiển thảo luận của học sinh nhằm giúp các em đề xuất câu hỏi từ những khác biệt đó theo ý đồ dạy học.
Ví dụ:
+ Ánh sáng mạnh có gây hại cho mắt không?
+ Ánh sáng từ đâu mà có?
+ Ánh sáng có màu gì?
+ Ánh sáng có nóng không?
+ Vì sao khi có ánh sáng, ta nhìn thấy được các vật?
+ Ánh sáng có thể xuyên qua được các vật không?
……………….
Sau khi HS nêu câu hỏi, Gv tổng hợp câu hỏi của các nhóm (chỉnh sửa và nhóm các câu hỏi phù hợp với nội dung bài học), ví dụ về câu hỏi Gv cần có:
+ Ánh sáng được truyền đi như thế nào?
+ Ánh sáng có truyền qua những vật nào? Không truyền qua những vật nào?
+ Mắt có thể nhìn thấy vật khi không có ánh sáng hay không?
* Đề xuất phương án thực nghiệm nghiên cứu: Từ các câu hỏi được đề xuất, giáo viên nêu câu hỏi cho học sinh suy nghĩ đề xuất thực nghiệm tìm tòi nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó. Sau khi học sinh đề xuất phương án thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu, giáo viên nêu nhận xét chung và quyết định tiến hành phương pháp thí nghiệm đã chuẩn bị sẵn. Trường hợp học sinh không đưa ra được phương án thích hợp, giáo viên có thể gợi ý hay đề xuất cụ thể phương án nếu gợi ý mà học sinh vẫn chưa nghĩ ra.
Tùy vào nội dung mỗi bài, hay từng phần và cần làm rõ những thắc mắc ban đầu của HS mà chọn phương án giải quyết cho phù hợp.
Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu
Từ các phương án thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu mà học sinh nêu ra, giáo viên khéo léo nhận xét và lựa chọn dụng cụ thí nghiệm hay các thiết bị dạy học thích hợp để học sinh tiến hành nghiên cứu.
Nếu phải làm thí nghiệm thì ưu tiên thực hiện thí nghiệm trực tiếp trên vật thật. Một số trường hợp không thể tiến hành thí nghiệm trực tiếp trên vật thật có thể làm trên mô hình hoặc cho HS quan sát tranh vẽ.
Khi tiến hành thí nghiệm, GV nêu rõ yêu cầu và mục đích thí nghiệm hoặc yêu cầu HS cho biết mục đích của thí nghiệm chuẩn bị tiến hành. Sau đó GV mới phát các dụng cụ, vật liệu thí nghiệm tương ứng với hoạt động.
Các thí nghiệm được tiến hành lần lượt tương ứng với các môđun kiến thức. Mỗi thí nghiệm được thực hiện xong, GV nên dừng lại để HS rút ra kết luận.
Khi HS làm thí nghiệm, GV bao quát lớp, quan sát từng nhóm. Nếu thấy nhóm hoặc HS nào đó làm sai theo yêu cầu thì GV chỉ nhắc nhở trong nhóm đó hoặc nói riêng với HS đó. GV nên yêu cầu cá nhân hoặc các nhóm thực hiện độc lập để tránh HS nhìn và làm theo cách của nhau.
Ví dụ: Với những câu hỏi đặt ra ở trên , HS nêu nhiều phương án khác nhau GV nên chốt phương án làm Thí nghiệm sau đó hướng cho HS cách làm để các em tìm ra kiến thức. Chẳng hạn, với nội dung tìm hiểu Ánh sáng có thể truyền qua một số vật,HS có thể sử dụng thí nghiệm:
Dùng đèn pin chiếu qua một số vật như tấm kính trong, tấm ni lông trong, tấm bìa cứng, cuốn sách, tấm gỗ,…HS sẽ nhận ra được ánh sáng có thể truyền qua các vật cứng như tấm kính trong, tấm ni lông trong,..và không truyền qua tấm bìa, cuốn sách,…
Bước 5: Kết luận và hợp thức hóa kiến thức:
Sau khi thực hiện thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu, các câu trả lời dần dần được giải quyết, các giả thuyết được kiểm chứng, kiến thức được hình thành, tuy nhiên vẫn chưa có hệ thống hoặc chưa chuẩn xác một cách khoa học. Giáo viên có nhiệm vụ tóm tắt, kết luận và hệ thống lại để học sinh ghi lại vào vở, coi như kiến thức của bài học. Giáo viên khắc sâu lại kiến thức cho học sinh bằng cách cho học sinh nhìn lại, đối chiếu lại với các ý kiến ban đầu (quan niệm ban đầu ). Như vậy từ những quan niệm ban đầu sai lệch, sau quá trình thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu, chính học sinh tự phát hiện ra mình sai hay đúng mà không phải do giáo viên nhận xét một cách áp đặt. Chính học sinh tự phát hiện những sai lệch trong nhận thức và tự sửa chữa, thay đổi một cách chủ động. Những thay đổi này sẽ giúp học sinh ghi nhớ lâu hơn, khắc sâu khiến thức.