Văn miêu tả ở lớp 4, các em đã được học tả đồ vật, tả cây cối, tả con vật … Trong đó số tiết tập làm văn tả cây cối chiếm thời lượng tương đối lớn so với tổng số tiết tập làm văn miêu tả ở lớp 4. Mục tiêu của phân môn Tập làm văn lớp 4 không chỉ trang bị kiến thức và rèn luyện các kĩ năng làm văn cho học sinh mà còn góp phần cùng các môn học khác mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy lô-gíc, tư duy hình tượng, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mỹ, hình thành nhân cách cho các em.
Như chúng ta đã biết văn tả cây cối là loại văn căn cứ vào những điều quan sát, ghi chép, cảm nhận được về đối tượng là cây cối trong thiên nhiên, cảnh vật…, dùng ngôn ngữ để vẽ ra hình ảnh chân thực của đối tượng đó, trình bày theo bố cục hợp lí và diễn đạt bằng lời văn sinh động, khiến cho người đọc người nghe cùng thấy, cùng cảm nhận như mình.
Khi thực hiện viết một bài văn miêu tả học sinh phải tiến hành theo các bước sau:
– Quan sát, tìm ý
– Lập dàn ý
– Vận dụng các kiến thức tổng hợp để viết đoạn
– Viết thành bài văn hoàn chỉnh
Tả cảnh, tả cây cối mà không gửi gắm tình cảm, sự yêu mến của người viết vào đó thì bài văn sẽ thiếu sức sống. Vì vậy, muốn viết tốt miêu tả cây cối , trước hết phải quan sát tốt, tìm ra được các chi tiết điển hình, hấp dẫn, sinh động của đối tượng. Tìm được rồi ta lại phải sắp xếp các chi tiết sao cho phù hợp với đối tượng, với không gian và thời gian được tả. Đó chính là việc lập dàn ý. Việc sắp xếp các ý trong văn miêu tả thực ra rất linh hoạt. Lựa chọn trình tự nào là tuỳ thuộc vào đối tượng được miêu tả hoặc đặc điểm nhìn của người tả. Mỗi bộ phận của cây chỉ nên chọn tả những nét tiêu biểu nhất đồng thời phải xác định đâu là nét chính, nét chủ yếu để tập trung miêu tả nhằm làm nổi bật đối tượng đó, để người đọc, người nghe không thể nhầm lẫn với đối tượng khác… Có thể tả người và vật trong mối liên quan đến đối tượng miêu tả nhưng việc tả đó phải góp phần bộc lộ một điều gì đó, làm cho cây cối được miêu tả trong bài nổi bật hơn, đẹp hơn, gần gũi thân thiết hơn với con người hơn.
Trong buổi hoạt động ngoài trời, các em đặc biệt thích thú với hình dáng riêng của lá bưởi, với những quả bưởi bé xíu trên cây. Từ đó, các em biết miêu tả chân thực, giàu hình ảnh và đã biết sử dụng hình ảnh nhân hóa và biện pháp so sánh vào làm văn.