Con bắt đầu bước vào học tiểu học là niềm vui nhưng kèm theo đó là bao lo âu của các bậc cha mẹ bởi học tập sẽ chiếm phần lớn thời gian trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Trẻ sẽ phải ngồi yên luyện chữ trong một khoảng thời gian nhất định. Vì trẻ luôn hiếu động, rèn thế nào để các em chịu ngồi yên và kiên nhẫn viết chữ là một điều khó. Cha mẹ cần khích lệ, động viên nhưng cũng phải nghiêm khắc uốn nắn từng nét chữ đầu tiên và đưa con dần vào khuôn phép. Tùy theo tính cách của con mà tìm biện pháp giáo dục thích hợp.
Thời gian này, cần luyện cho trẻ thói quen sinh hoạt theo giờ, làm bài tập cẩn thận và tự sắp xếp ngăn nắp sách vở, đồ dùng học tập, giữ gìn không để quăn mép, làm rách hay vứt lung tung…. Nếu trẻ làm tốt một việc mà bạn giao cho, bạn cần khen ngợi trẻ một cách cụ thể. Đừng bao giờ thờ ơ trước thành quả của con và chỉ nói: “Con làm tốt lắm” hay “Con ngăn nắp quá!” mà phải nêu lên một cách cụ thể những việc con làm mà bạn đánh giá cao. Ví dụ: “Con làm việc chăm chỉ như vậy, chắc chắn con sẽ sớm hoàn thành công việc.” hay “Con viết rất rõ ràng, đẹp lắm con ạ!”… Cha mẹ cũng nên tập trung khen sự cố gắng của trẻ, hơn là chỉ khen thành tích mà các em đạt được. Ví dụ: ngay từ lúc bạn bảo trẻ đi dọn dẹp phòng riêng, thay vì chờ trẻ làm xong mới khen ngợi thì cha mẹ đã có thể nói ngay: “Trông căn phòng của con sáng sủa và sạch sẽ hơn khi con bắt đầu thu dọn quần áo rồi đấy!” Như thế, lời khen của cha mẹ không những chân thật mà còn khích lệ tính tự lập trong trẻ, giúp trẻ hiểu rõ bạn rất hài lòng.
Cha mẹ cũng cần để con tự làm bài, chỉ hướng dẫn không làm thay, gợi ý cho con cách giải bài tập, cách trả lời câu hỏi, trình tự bài giải… qua thời gian, trẻ sẽ xây dựng được cho mình nếp sống sinh hoạt và học tập thích hợp và hình thành thói quen tự lập.
Cha mẹ cũng cần giúp con giải quyết các vấn đề phát sinh ở trường như xích mích với bạn bè, hay những điều trẻ cảm thấy vướng mắc với thầy, cô... Thường xuyên trò chuyện với con, tìm hiểu những điều trẻ thấy ấm ức và cho con lời khuyên để vượt qua. Cha mẹ hãy là người chỉ dẫn, khi trẻ phàn nàn về sự bất đồng với bạn bè nên lắng nghe và quan sát sự việc từ nhiều góc độ khác nhau bằng cách tự đặt những câu hỏi. (Ví dụ: Điều gì đã xảy ra và chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề? Con và bạn nhìn nhận vấn đề theo hai hướng khác nhau đúng không? Con suy nghĩ hoặc cảm thấy thế nào khi tình huống xảy ra?...) Hãy để con trả lời trước, lắng nghe ý kiến của trẻ, sau đó nhẹ nhàng giải thích quan điểm của mình về vấn đề mâu thuẫn. Khích lệ trẻ nói lên tâm tư, tình cảm của mình. Điều này giúp trẻ bình tĩnh trước mối quan hệ đang căng thẳng, sau đó để trẻ tự giải quyết và không can thiệp sâu vào chuyện của trẻ. Làm như vậy mới tôi luyện cho trẻ tính tự lập, dần dần củng cố được sự tự tin, trẻ sẽ phải tự suy nghĩ cần làm thế nào cho đúng và dần thích nghi với môi trường sống ở trường.
Theo báo Giáo dục Thủ đô