Một trong những điều tuyệt vời khi đi dạy đó là không có một mẫu số chung cho mọi sự thành công. Xét tổng quan, không có giáo viên nào giống hệt như nhau. Mỗi người có phong cách dạy học và nguyên tắc quản lí lớp học riêng. Tuy nhiên, có những nguyên tắc cơ bản mà giáo viên nên nắm chắc nếu muốn thành công trong nghiệp cầm phấn.
Danh mục dưới đây là một bộ nguyên tắc chung mà giáo viên nên biết.
Những nguyên tắc này bao quát tất cả các khía cạnh của quá trình dạy học, cả trong và ngoài lớp học.
Nguyên tắc số 1: Luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Học sinh luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Điều gì có lợi cho học sinh? Nếu bạn chưa có câu trả lời thì cần phải xem xét lại.
Nguyên tắc số 2: Tạo dựng các mối quan hệ sâu sắc và bền vững với học sinh, đồng nghiệp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Điều đó sẽ giúp công việc của bạn suôn sẻ hơn.
Nguyên tắc số 3: Không bao giờ mang các vấn đề cá nhân của bạn lên lớp. Hãy cất chúng ở nhà. Học sinh không cần phải biết chuyện riêng của bạn.
Nguyên tắc số 4: Hãy cởi mở và sẵn lòng học hỏi. Dạy học là một quá trình mang lại nhiều cơ hội học hỏi. Bạn nên tận dụng để trau dồi chuyên môn từng ngày, ngay cả khi bạn đã đứng lớp nhiều năm.
Nguyên tắc số 5: Luôn luôn công bằng và nhất quán. Học sinh luôn luôn quan sát bạn để đảm bảo bạn thực hiện điều đó. Bạn sẽ tự phá vỡ hình tượng của mình nếu học sinh phát hiện bạn thiên vị dù chỉ một lần.
Nguyên tắc số 6: Phụ huynh học sinh có thể cản trở hoặc hỗ trợ quá trình giáo dục. Nhiệm vụ của giáo viên là làm thế nào để phụ huynh tham gia vào quá trình học tập của con em họ một cách tích cực.
Nguyên tắc số 7: Giáo viên không bao giờ thỏa hiệp. Họ phải luôn nắm rõ tình hình để tránh sự truyền đạt sai lệch. Họ phải luôn luôn tự chủ.
Nguyên tắc số 8: Tôn trọng mọi quyết định của Ban giám hiệu nhà trường và hiểu cho gánh nặng trách nhiệm của họ. Giáo viên nên tạo quan hệ tốt trong công việc với nhà trường nhưng nên nhớ rằng thời gian của họ dành cho giáo viên không nhiều.
Nguyên tắc số 9: Dành thời gian tìm hiểu học sinh và liên hệ bài học với những chủ đề mà các em có hứng thú. Tạo quan hệ tốt đẹp với học sinh và bạn sẽ thu hút học sinh vào bài giảng của mình dễ dàng hơn.
Nguyên tắc số 10: Thiết lập nội quy, phương hướng và tiến trình học tập ngay từ đầu năm học. Hãy để học sinh tự chịu trách nhiệm về hành động của các em. Bạn không độc tài nhưng bạn cần phải dứt khoát, công tâm và nhất quán. Hãy nhớ rằng bạn không đến lớp để chơi với học sinh. Học sinh cần biết rằng bạn luôn tận chức tận trách.
Nguyên tắc số 11: Luôn luôn lắng nghe người khác, kể cả học sinh và tiếp nhận sự phản hồi.
Bạn có thể học hỏi nhiều nhất khi sẵn lòng lắng nghe người khác nói. Hãy nghĩ thoáng ra và đón nhận lời khuyên từ mọi người.
Nguyên tắc số 12: Chịu trách nhiệm về lỗi sai của bản thân. Giáo viên không hoàn hảo và học sinh cần chấp nhận điều đó. Hãy lấy ví dụ về những lần bạn mắc lỗi và nhận lỗi, cho học sinh thấy rằng đôi khi sai lầm là cơ hội để học hỏi.
Nguyên tắc số 13: Hợp tác với các giáo viên khác. Luôn luôn sẵn lòng lắng nghe lời khuyên từ những giáo viên khác. Đồng thời, hãy chia sẻ kinh nghiệm với họ.
Nguyên tắc số 14: Tìm cho mình một chốn nghỉ ngơi ở ngoài trường học. Mỗi giáo viên đều có những sở thích riêng, giúp họ giải tỏa căng thẳng sau những giờ dạy học trên trường.
Nguyên tắc số 15: Luôn luôn sẵn sàng thích nghi và thay đổi. Đặc thù của việc dạy học là luôn luôn thay đổi. Luôn luôn có những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn để giáo viên thử sức. Hãy cố gắng nắm bắt sự thay đổi chứ đừng chống đối nó.
Nguyên tắc số 16: Giáo viên phải linh hoạt. Đôi khi những khoảnh khắc tuyệt vời nhất lại đến một cách tình cờ. Hãy tận dụng thời cơ và sẵn sàng thay đổi kế hoạch.
Nguyên tắc số 17: Hãy là người thủ lĩnh dẫn dắt học sinh. Không bao giờ được nói với học sinh rằng con không đủ khả năng. Phải giúp đỡ các em đi đến đích bằng cách dìu dắt và động viên khi các em mất phương hướng.
Nguyên tắc số 18: Bảo vệ học sinh bằng mọi giá. Luôn luôn để mắt đến học sinh và đảm bảo rằng các em được an toàn. Làm mẫu các quy trình an toàn cho cả lớp và không bao giờ cho phép học sinh có hành vi nguy hiểm.
Nguyên tắc số 19: Luôn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Điều này chưa chắc đã dẫn đến thành công, nhưng thiếu nó thì chắc chắn thất bại. Giáo viên phải chọn lọc để đưa vào bài giảng những ý nghĩa thực tiễn đối với học sinh.
Nguyên tắc số 20: Hãy tạo không khí vui tươi trong lớp học! Nếu bạn hào hứng với công việc, học sinh sẽ nhận ra và tham gia tích cực vào giờ học.
Nguyên tắc số 21: Không bao giờ được xúc phạm hay phê bình học sinh trước cả lớp. Nếu bạn cần kỉ luật hoặc nhắc nhở học sinh, hãy trao đổi riêng ngoài hành lang hoặc sau giờ học. Là giáo viên, bạn cần được học sinh tin tưởng và tôn trọng.
Nguyên tắc số 22: Kèm thêm cho học sinh nếu bạn có thể. Nhiều giáo viên tình nguyện dạy kèm thêm cho học sinh theo nhóm hoặc hỗ trợ ngay trên lớp. Những hành động nhỏ này rất có ý nghĩa đối với học sinh.
Nguyên tắc số 23: Theo dõi sát sao tình hình của học sinh và kịp thời ghi nhận sự tiến bộ. Điều đó có thể là quá sức với giáo viên. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu xếp loại và cứ 2-3 ngày lại tổng kết một lần. Điều này không chỉ dễ dàng hơn mà còn giúp giáo viên phản hồi học sinh kịp thời và chính xác hơn.
Nguyên tắc số 24: Luôn luôn tuân thủ các chính sách giáo dục. Nếu bạn không chắc chắn về điều gì, tốt hơn là nên hỏi cho cặn kẽ để tránh sai lầm nghiêm trọng. Là một giáo viên, bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng học sinh cũng tuân thủ tốt các nội quy.