Đã bao giờ bạn thấy những đứa con ngoan, hiền của mình trở thành chú ngựa hoang nổi loạn chưa? Cuộc sống gia đình đang yên ấm, bỗng bố mẹ nhận được những tin sốc và đầy bất ngờ về con cái mình. Và họ mới chợt nhận ra rằng, chúng đã lớn giữa một thế giới đầy những điều bất trắc.
Trẻ nổi loạn như thế nào?
Một ngày, chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được điện thoại của cô chủ nhiệm lớp con gái. Chị không tin vào tai mình, khi ở đầu dây bên kia cô thông báo: “Chị nên đến trường ngay, vì sau khi đánh nhau trên người cháu có mấy vết bầm”.
Vừa nhìn thấy con gái, chị Hà đã tái hết cả mặt, tóc tai con bé bù xù, quần áo xộc xệch, bê bết đất cát, trên mặt bầm đỏ vết cào... Tất tưởi kiểm tra người con, chị còn thấy nhiều vết bầm đỏ ở ngực, lưng, tay, chân... Gặng hỏi mãi, cuối cùng chị cũng biết nguyên nhân là do con bé bị “đánh ghen”. Bạn của nó kể: “Bạn ấy dạo này yêu bạn Trung, mới đây bạn gái cũ của bạn Trung đòi quay lại, và dọa bạn ấy không được lại gần Trung nữa. Vì bạn ấy vẫn tiếp tục, nên chiều nay bị ấy bạn gái cũ của Trung kéo bè đến đánh. Nhưng bạn ấy cũng không vừa, kéo được thêm 2 bạn nữa đánh trả tới tấp, rốt cuộc chả biết ai thắng, chỉ thấy cả đám con gái vật lộn với nhau”.
Buổi tối, khi chị Hà kể chuyện này với chồng, anh nhảy dựng lên: “Làm sao có thể như vậy được, con gái bé bỏng của chúng ta mà đánh nhau ư?”. Chỉ đến khi “mục sở thị” các vết thương trên người con thì anh mới hoảng hốt nói với vợ: “Chúng ta phải làm gì đây, không thể để con bé tiếp tục như thế này được”.
Trong khi đó, vợ chồng chị Hồng (Liễu Giai, Hà Nội) cũng bị một phen thót tim về sự nổi dậy của con trai mình. Vốn là cậu bé thông minh, hiếu động, từng đoạt giải tại các cuộc thi tin học trong nước, nên anh chị lúc nào cũng tự hào về “cục cưng vàng” 14 tuổi của mình. Cho đến một ngày chị nhận được thông báo của cơ quan an ninh về việc con trai có tên trong một danh sách dài những người tham gia quản lý website đen, nhưng vì thằng bé còn nhỏ tuổi và không trực tiếp điều hành nên thoát tội. Chị Hồng than: “Thật không thể tưởng tượng được nó có thể làm những việc ghê rợn như vậy. Nó còn quá bé, đáng lẽ làm những điều tốt thì lại đi làm những thứ bệnh hoạn kia. Chồng tôi mắng thì nó còn bảo: “Con có nghiện đâu sex đâu, con chỉ quản trị về kỹ thuật thôi, mấy cái hở hang kia chẳng liên quan gì đến con”. Đã thế nó còn lý luận bé như nó mà biết kiếm tiền sớm thế là giỏi lắm rồi, hơn khối đứa lớn tướng còn ăn bám bố mẹ”.
Làm gì để “điều trị” trẻ?
Sau khi quát tháo ầm ĩ với cú sốc mà cậu con trai gây ra, chị Hồng mới hiểu điều mình vừa làm là một sai lầm lớn. Cậu con trai với tài năng công nghệ thông tin của mình, giờ không thèm làm việc cho web đen nữa mà chuyển qua làm hacker. “Có hôm nghe nó nói chuyện điện thoại, chồng tôi phát hiện ra nó làm việc cho ai đó, cái gì mà xâm nhập hệ thống bảo mật rồi lấy cái này, cái kia. Anh ấy còn nghe nó cười sung sướng và tự hào về các chiến công của nó trên mạng nữa cơ. Thật chẳng biết phải làm sao để nó bớt hiếu thắng đây”- chị Hồng chia sẻ.
Vợ chồng chị Hà thì khéo léo hơn, dù tình thế lúc này khá nan giải khi cô con gái bướng bỉnh không sợ kẻ địch và quyết tâm giữ tình yêu trong sáng của mình. Chỉ đến khi nghe những lời khuyên và các câu chuyện nhẹ nhàng từ bố mẹ, cô bé mới bớt hiếu thắng và chấp nhận kế hoãn binh. “Tôi chẳng dại gì mà hét lên rằng cấm con không được gặp thằng đó, ở cái tuổi này chỉ cần nghe một câu đó thôi là chúng nó sẽ nghĩ bố mẹ áp đặt, bố mẹ không hiểu, bố mẹ coi thường... này nọ. Cho nên vợ chồng tôi khuyên nó là cứ im lặng một thời gian dài, xem tình cảm cậu bạn kia thế nào rồi tính tiếp.”- chị Hà kể.
Cùng với những chuyến đi chơi ấm áp không khí gia đình, con gái của chị Hà cũng dần dần quên đi “mối tình ngang trái” của mình. Nhưng để yên tâm thì chị cũng thường xuyên rủ các bạn của con đến nhà, để thăm dò xem ở trường chúng có điều gì bất thường không.
Qua những câu chuyện trên cho thấy, nếu như ngày xưa người ta cho rằng nam nữ đến tuổi dậy thì mới có những biến đổi tâm lý và dễ nổi loạn, thì trong cuộc sống hiện nay, ngay cả những đứa trẻ vừa hết tuổi nũng nịu cũng trở nên rất khó lường. 11, 12 tuổi chúng đã có thể nói lời yêu, có thể cầm máy ảnh chuyên nghiệp để chụp những bức ảnh đẹp hoặc quay những clip sex.... Đó là bởi cuộc sống đầy đủ về vật chất, sự cập nhật thông tin vô giới hạn từ truyền hình, Internet... Chính vì thế, các bậc phụ huynh cũng cần có sự cập nhật thường xuyên về xu hướng của giới trẻ, để có những định hướng tốt cho con cái mình, tránh những điều bất thường có thể xảy ra.
|
Ảnh minh họa
|
PGS. TS. Hoàng Bá Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội: Cuộc sống hiện đại và thời cơ chế thị trường khiến trẻ em được tiếp xúc sớm với phim ảnh, game truyện tranh, mang tính bạo lực, sex. Trẻ trở nên già dặn hơn, biết “yêu” sớm hơn, thậm chí biết kiếm tiền để tiêu xài. Nếu cha mẹ không kiểm soát được sự phát triển của con mình, thì những thứ mà trẻ tiếp thu được sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với hành vi sai lệch của thanh thiếu niên và tất nhiên nhiều em sẽ “nổi loạn”.
Vì thế, cha mẹ hãy quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, không chỉ ở việc biết con mình xem gì, chơi gì mà phải quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lí của trẻ nhất là ở tuổi dậy thì. Không nên để các em tuổi vị thành niên tự do xem mọi thứ, quan hệ không lành mạnh... Khi trẻ phạm lỗi, cần phân tích kĩ cho trẻ thấy tác hại của những sai lầm mà trẻ đang lao vào, làm sao phải trở thành người hướng đạo tin cậy của con, có vậy mới giáo dục được trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bình – Khương Thượng – Hà Nội: Dạy trẻ khó nhất giai đoạn “tuổi ngựa chứng”, trẻ chưa phải là người lớn cũng không còn là trẻ con. Chính vì vậy, trẻ vị thành niên rất ương bướng, chỉ thích làm theo ý mình và dễ mắc sai lầm hoặc theo bạn xấu làm những điều trái pháp luật.
Trong trường hợp ấy, cha mẹ cần phải quan tâm chăm sóc tới con hơn (nhất là những đứa trẻ bị thiếu thốn về mặt tinh thần) bằng cả lời nói và hành động cụ thể. Các ông bố, bà mẹ đừng nên quát mắng, xỉ nhục, đánh đập trẻ mà hãy là một người “bạn” của con, chỉ bảo con những gì chúng chưa hiểu. Cần nhất là có một cuộc sống gia đình êm ấm, để trẻ cảm thấy cha mẹ là tấm gương cho mình học tập.
Em Phạm Bình Minh – Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Hà Nội): Em cũng đang ở tuổi vị thành niên. Đúng là chúng em muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình, nhất là nhũng điều người lớn thường xuyên cấm đoán. Em không thích bị cha mẹ lúc nào cũng coi mình như trẻ con, bắt em phải làm theo ý mình mà muốn cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn của em. Nếu chúng em sai, phải chỉ cho em thấy em sai ở đâu và giúp em tìm hướng giải quyết đừng xỉ nhục chúng em. Nếu trong trường học, chúng em được học nhiều về kĩ năng sống và sự phát triển tâm sinh lí lứa tuổi, chúng em sẽ tự tin hơn khi ra ngoài xã hội và ít mắc sai lầm.
Thùy Dương (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 53+54, tháng 5, 6/2014)