Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được đưa vào giảng dạy trong các trường học của TP. Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh nên theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn. Bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người học sinh thanh lịch, văn minh.
Bộ tài liệu đã gợi mở cách triển khai vấn đề để đưa vào nội dung giáo dục trong các nhà trường hiện nay. Cụ thể như vấn đề giáo dục đạo đức, Hà Nội đã chọn riêng phần giáo dục nếp sống, trong đó đưa ra những kiến thức cụ thể, gần gũi để định hướng hành vi cho các em như cách chào hỏi, ăn trong gia đình, ăn bán trú ở trường, cách đi, đứng, trang phục ở nhà, trang phục tới trường, các hành vi đúng, đẹp khi tham gia giao thông, giao tiếp với mọi người… giúp các em không chỉ tiếp nhận kiến thức, mà còn mong muốn, cố gắng làm theo những điều đã được học.
Với cách truyền đạt kiến thức không chỉ bằng kênh chữ, mà còn qua kênh hình, các tài liệu bổ trợ… bộ tài liệu đã gợi mở cho những người quản lý ngành phương án triển khai những vấn đề giáo dục đang được quan tâm hiện nay, như giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường…
Một số lưu ý với giáo viên khi giảng dạy:
- Phương pháp dạy học được vận dụng linh hoạt giữa các phương pháp truyền thống như kể chuyện, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan và các phương pháp dạy học hiện đại như đóng vai, xử lí tình huống, sao cho HS tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập và mong muốn, chủ động, tự giác thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh.
Từ nội dung dạy học được gợi ý trong sách học sinh (SHS), sách giáo viên (SGV) > giáo viên (GV) gợi ý cho HS nhận biết, phân biệt được những chuẩn mực hành vi cơ bản của nếp sống thanh lịch, văn minh trong sinh hoạt và giao tiếp ứng xử, sự cần thiết thực hiện những chuẩn mực hành vi, cách thực hiện để dẫn dắt HS đến nội dung lời khuyên, giúp HS hiểu và mong muốn, chủ động, tự giác thực hiện.
- Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh tiểu học chỉ đạt hiệu quả khi HS hứng thú và tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dạy-học. Do đó, GV cần căn cứ vào mục tiêu từng bài, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lớp, từng trường, từng địa phương mà thiết kế tiết học thành các hoạt động phù hợp; tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động, phát huy vốn kinh nghiệm, thói quen trong nếp sống thanh lịch, văn minh đã có để tự khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng mới.
- Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh tiểu học phải gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thực của HS. Sau truyện kể, tấm gương mà GV sử dụng để minh họa các chuân mực hành vi cơ bản, cần khéo léo liên hệ ý nghĩa của bài với thực tế cuộc sống của HS.