Chị Bảo có hai con trai, cháu lớn học lớp 3, cháu nhỏ mới 4 tuổi. Một hôm cháu lớn nhà chị xin mẹ tiền mua hai phong kẹo, em trai thấy anh mua kẹo cũng muốn được ăn, thế là chị cho tiền cháu mua luôn bốn phong kẹo, hai anh em mỗi đứa 2 phong. Nhưng đến khi cháu về nhà chỉ đưa cho em 1 phong kẹo, chị Bảo thấy vậy liền mắng: “Một mình còn ăn hết ba phong kẹo sao?”
Thật may lúc đó chị đã biết kiềm chế nóng giận, không nói thêm gì nữa mà chỉ dùng ánh mắt để khích lệ cháu giải thích. Nếu trong trường hợp này bố mẹ quá giận mà mắng con liên tục sẽ không cho bé có cơ hội giải thích, bố mẹ cũng không biết được con đã làm gì với ba phong kẹo kia và vì sao lại làm vậy.
“Lúc nãy con đi mua chỉ còn có đúng 3 phong kẹo thôi. Mua xong con gặp cô Mai và thầy Sơn, tặng cho hai thầy cô mỗi người một phong, còn lại mỗi một phong mang về thôi ạ” – cháu lớn giải thích với chị Bảo.
Lúc đó chị không biết nên nói gì, chỉ “À!” một tiếng rồi nghe cháu nói tiếp: “Con thấy làm giáo viên rất là thích nhớ, thỉnh thoảng được học sinh tặng quà vặt, sau này lớn con cũng sẽ làm thầy giáo”.
Chị định chen ngang nói với cháu làm giáo viên không phải để nhận kẹo của học sinh, nhưng lại kiềm chế không nói nữa vì nghĩ rằng cháu còn nhỏ, suy nghĩ còn ngây thơ.
Khi bố mẹ biết im lặng đúng lúc sẽ tạo cơ hội cho trẻ được tự do nói lên suy nghĩ của mình, biết được sự tình rõ ràng có thể tránh được việc trách oan khiến tâm lý trẻ bị ảnh hưởng.
Tác giả: My Nguyễn
(Theo PhunuVietNam.vn)