Theo “Quốc sử tạp lục”, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long thì vùng đất phía nam sông Tô Lịch vẫn còn nhiều rừng, nên gọi là Kẻ Mọc, tên chữ Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Rồi dân số tăng lên đông đúc, phải chia thành 2 xã Nhân Mục Cựu (gồm các thôn Thượng Đình, Hạ Đình) và Nhân Mục (gồm Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất). Đến nay một số thôn này vẫn được gọi trong dân gian với tiếng Mọc kèm vào đầu.
Đình Cự Chính là ngôi đình của hai làng Cự Lộc, Chính Kinh, còn gọi Mọc Cự Chính, thuộc xã Nhân Mục, sau đổi tên xã Nhân Chính, thuộc huyện Từ Liêm; từ 1-1-1997 trở thành phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 12 tháng Hai hàng năm, 5 thôn Mọc vẫn giữ lệ rước kiệu về đình làng nào đăng cai chủ trò đại lễ hội. Đình có thế đất phát văn: theo truyền thuyết đĩa mực là cái hồ ở phía trước, nghiên mực là cái gò giữa hồ, con đường chạy qua là cây bút gác lên đĩa mực, thửa đất bên trái là trang sách mở ra.
Đình Cự Chính được xây muộn nhất cũng vào thế kỷ 17. Đình thờ Đức Thành hoàng Lã Đại Liệu, dòng dõi hào kiệt, quê ở trang Liễu Chử (sau đổi là Liễu Lâm), huyện Siêu Loại, nay là xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngài là tướng của Ngô Quyền, khi nhà Ngô tan rã, Ngài là một trong 12 sứ quân, chiếm cứ miền Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Tương truyền đình còn gọi đình Con Cóc vì có chạm hình đôi cóc trên cột trụ, ngụ ý cầu trời mưa thuận gió hòa cho nhà nông được mùa. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra cuối năm 1946, ngôi đình bị phá hủy nặng nề, đến những năm 1990 đã được phục dựng và đến đầu thế kỷ 21 lại có trùng tu lớn. Đường làng từ lâu cũng đã trở thành con phố Quan Nhân khá khang trang.