Khi học trò tự xem mình là "cậu ấm, cô chiêu"
Không khó để nhận ra sự khó khăn của những người thầy trong xã hội hiện đại. Trước sự ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, kinh tế và giao thoa văn hóa, cộng với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ hiện nay, cách suy nghĩ và quan điểm sống của các em vô cùng phức tạp và không ít em đi theo chiều hướng sai lệch, tiêu cực.
Một giáo viên từng công tác trong ngành chia sẻ: Bây giờ rất nhiều phụ huynh cứ giao trắng con em cho trường, cho thầy cô chủ nhiệm. Nhiều em còn không nghe lời cả cha mẹ nên áp lực đặt lên vai nhà trường và giáo viên vô cùng nặng nề. Các em quen ở nhà được bố mẹ coi như ông hoàng bà chúa, chiều chuộng hay nói thẳng là bố mẹ thất bại trong việc dạy con. Một số bạn trẻ ngày nay sẵn sàng quát mắng cả bố mẹ nên cũng không biết tôn trọng giáo viên. Nhiều phụ huynh ở nhà nghĩ con mình lúc nào cũng đúng mà không biết các con bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội.
Thực tế đã xảy ra những câu chuyện như học trò nói hỗn hào, xúc phạm thầy cô. Nói chuyện, nhai kẹo cao su trong giờ, bị thầy cô bắt gặp vài ba lần mặc dù đã bỏ qua nhưng các em vẫn tái phạm và bị lập biên bản. Hôm sau em đó lại lên facebook nói xấu cô giáo rồi xúi cha mẹ kiện cô giáo...
Có những video clip trên mạng xã hội cho thấy hành động thiếu kiểm soát của người thầy, thậm chí đánh học trò. Thế nhưng phía sau những clip ấy không ai biết được học trò đó đã có những hành động xúc phạm người thầy như thế nào. Thậm chí vì ghét giáo viên nào đó mà học trò cố tình gây sự rồi quay video để làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người thầy.
Bí quyết kiềm chế cơn giận
Với tư cách là người trong cuộc, cô giáo Tạ Minh Thủy – giáo viên lớp 7 trường Vinschool, từng đoạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố chia sẻ: “Với trường hợp học sinh ngang bướng, cãi lời thầy cô, nói chuyện riêng trong giờ, thậm chí xúc phạm thầy cô, đầu tiên, giáo viên phải xem lại bản thân mình cư xử đã hợp lí chưa. Giáo viên cần bình tĩnh bởi cả giận sẽ mất khôn. Khi quá giận, giáo viên có thể ra ngoài một chút, hít thở sâu rồi quay lại ôn tồn trò chuyện với trò. Đó là một nguyên tắc khi giao tiếp. Không nên làm gì khi đang tức giận và cần nói chuyện riêng với học sinh, chứ không xúc phạm học sinh trước mọi người. Khi học sinh cảm thấy được tôn trọng, các em sẽ tôn trọng lại mình”.
“Có những trường hợp quá tức giận, tôi sẵn sàng bày tỏ với học sinh “Cô đang rất thất vọng, không bình tĩnh được”.... chứ không nạt nộ bởi dây chun kéo hết cỡ thì đứt, tình thầy trò mà quát nạt thì cũng mất. Đôi khi muốn khuyên, nhắc nhở học sinh điều gì, tôi đặt tay lên hai vai học sinh, nhìn sâu vào mắt em bởi vì ánh mắt có sức mạnh lắm, thu hút học trò chú ý và dễ đồng tình. Việc sử dụng ngôn từ trong giao tiếp cũng cần tế nhị, ví dụ nên nói "cô mong con..."; "con nghĩ sao nếu.... như thế chứ không dùng những từ "em phải…", “em cần...”- cô Thủy nói.
Với kinh nghiệm gần 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Tạ Minh Thủy đã gặp nhiều trường hợp khiến giáo viên phiền lòng. Nhiều em không chỉ học kém mà còn quậy phá, thường xuyên nhuộm tóc, bỏ tiết, không làm bài, rủ rê bạn bè đi chơi... Nguyên nhân cũng một phần do ảnh hưởng của gia đình. Có trường hợp bố mẹ chơi cờ bạc, con làm nhiệm vụ chia bài, nên suy nghĩ về cuộc sống bị lệch lạc. Em tâm sự với cô giáo: "Học để làm gì, con ngồi chia bài ngày cũng kiếm được ối tiền".
Theo cô Thủy, trước khi nghĩ đến việc đối xử với học sinh, uốn nắn học sinh thế nào, thì giáo viên phải tôn trọng học sinh trước. Sai một lần, thua một lần chứ không ai thua cả đời cả. Học trò có thể không giỏi học nhưng rất nhanh nhẹn trong những lĩnh vực khác và thành công ở chỗ khác. Từ tôn trọng học sinh, giáo viên mới có tâm để lựa chọn cách cư xử hợp lí với học sinh được. Với những em quá nghịch, quậy phá và bất cần thì giáo viên phải tôn trọng, lắng nghe, động viên và phân tích cho các em hiểu việc gì là quan trọng, cần ưu tiên và tạo động lực học tập. Người giáo viên phải tạo cho học sinh môi trường an toàn thì học sinh mới tin cậy và chia sẻ nhất là học sinh lứa tuổi thanh thiếu niên, đang nổi loạn, có cách giao tiếp riêng.
Nói về hành trình uốn nắn học trò, cô Thủy cho biết: Với những học sinh khó bảo, lại ương bướng không phải chỉ nói một lần là các em ngoan ngay vì vậy ngay khi nhận lớp, tôi tìm hiểu ngay những trường hợp nào đặc biệt và hoàn cảnh gia đình các em. Tôi mất khoảng 1 tháng để tạo niềm tin và hòa đồng với học sinh. Tôi thường tổ chức hoạt động để lớp vui, đoàn kết và hòa mình vào học sinh. Đôi khi cũng cần dùng ngôn ngữ của học sinh thì mới nói chuyện được và luôn cho các em thấy giáo viên đứng về phía các em, bảo vệ các em. Ví dụ, học sinh nữ đánh son đỏ choét lên lớp, tôi không cấm, mà câu đầu tiên nói với trò là "Cô thấy con tô son rất xinh, màu son cũng rất đẹp, hãng nào thế, mua ở đâu vậy?”.... Rồi sau đó mới chia sẻ với trò: "Nhưng mà tô son khi lên lớp có vẻ không hợp, lại thấp thỏm vì bị giám thị ghi tên...”.
Nói về bài học rút ra trong việc giáo dục học trò, cô Thủy đúc kết: Có những lúc tôi cũng cảm thấy bị xúc phạm nhưng rồi bỏ qua hết. Điều căn bản để có thể giáo dục được những học sinh cá biệt, uốn nắn học sinh ngang bướng nằm ở tình yêu của giáo viên với học sinh và sự đổi mới về tư tưởng. Người giáo viên cần tôn trọng sự khác biệt ở mỗi học trò.