Lao động của giáo viên là lao động cực kỳ đặc biệt: dạy dỗ, định hướng, tác động đến con người. Đôi khi nhân cách, hành xử, lời nói… của thầy cô ảnh hưởng đến cả một đời của trẻ. Gặp được một người thầy giỏi gieo những hạt mầm tốt đẹp, đó thật sự là diễm phúc lớn lao. Gặp phải người tàn nhẫn, chỉ nghĩ đến bản thân, vì quyền lợi cá nhân vô tâm vô cảm, đó là sự bất hạnh có thể sánh với nỗi khổ mồ côi.
Tâm lý học cổ điển đã xác định con người có bốn loại khí chất cơ bản: sôi nổi, linh hoạt, điềm tĩnh và ưu tư. Ở các trường sư phạm có dạy về tâm lý học cho sinh viên, để khi đứng lớp, thầy cô có kiến thức, dựa vào khí chất của mỗi học sinh mà có cách hành xử, uốn nắn, dạy dỗ sao cho phù hợp.
Trong một lớp học, sẽ luôn có những em không ngồi yên đến 10 phút; sẽ có những em muốn mình là tâm điểm nên tìm cách gây sự chú ý, kể cả cãi lại, nói năng hành xử thiếu chuẩn mực với thầy cô; sẽ có những em rất rụt rè nhút nhát… Điều đó là bình thường. Những lúc ấy, thầy cô buộc phải có “nghề” để thu phục “nhân tâm”. Cái “nghề” đó là sự thấu hiểu tâm lý trẻ, đó chính là trình độ chuyên môn vững vàng.
Vậy cho nên, quyền lực vô song của người thầy chính là kiến thức và tài năng chuyển tải, khơi gợi trong lòng học trò ngọn lửa của niềm đam mê đặt chân vào con tàu tri thức. Quyền lực của người thầy là tình yêu thương và sự thấu hiểu dành con trẻ, để dẫn dắt chúng đi đến những điều tốt đẹp.
Có cái gì khởi phát từ trái tim không chạm đến được trái tim. Mọi phương thức khác, đặc biệt là dùng bạo lực để buộc con trẻ phải phục tùng mình chỉ phơi bày sự yếu kém, thất bại của người thầy.
Nghề nào cũng có thể có sai sót, bởi lẽ nó đều được thực hiện bởi con người. Nhưng, nghề giáo, đôi khi còn hơn cả thầy thuốc, chút sai sót không chỉ lấy đi một sinh mạng mà còn di hại đến cả một thế hệ.
Theo báo Phụ nữ